Bạc Liêu: Hệ lụy từ nuôi cá kèo thâm canh ồ ạt, thiếu kiểm soát của mô hình nuôi (24-12-2018)

Nuôi cá kèo thâm canh tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu lâu nay là một nghề có tiềm năng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát của mô hình nuôi cá kèo thâm canh dẫn đến dịch bệnh và giá sản phẩm thấp…
Bạc Liêu: Hệ lụy từ nuôi cá kèo thâm canh ồ ạt, thiếu kiểm soát của mô hình nuôi
Ảnh minh họa

Nhiều bất cập

Cá kèo là loại cá có vẩy, da trơn láng khi ở dưới nước, bắt lên khỏi nước da cá kèo có nhớt, da cũng có vẩy, nhám, nổi những chấm xanh giống ngôi sao. Cá kèo sống chủ yếu ở vùng nước lợ và nước mặn, nhưng cũng có thể sống ở nước ngọt. Chúng làm hang ở các bãi bùn và có thể trườn lên trên các bãi này để đi lại và tìm kiếm thức ăn.

Huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, 16.000 ha. Ngoài con tôm, nhiều nông dân trong huyện (vùng nam Quốc lộ 1A) còn thả nuôi cá kèo, tập trung ở xã Vĩnh Mỹ A, xã Vĩnh Thịnh. Loài cá này là một trong những đối tượng nuôi thâm canh - bán thâm canh đã có từ lâu ở huyện Hòa Bình, tuy nhiên hình thức nuôi cá kèo thâm canh thì mới có cách đây khoảng 10 năm. Hình thức thử nghiệm này giúp cá ăn chất cặn bã dưới đáy ao, nhưng lại cho kết quả khá cao, tỷ lệ hộ nuôi thành công đến trên 90%, nhiều hộ nuôi có lãi lớn. Từ năm 2010 trở lại đây, phong trào nuôi cá kèo đã không ngừng phát triển ở huyện Hòa Bình; có năm diện tích thả nuôi đến trên 400 ha, sản lượng thu hàng nghìn tấn, trong đó đại đa số diện tích nuôi cá kèo nằm ở xã Vĩnh Mỹ A. Diện tích thả nuôi và sản lượng cá kèo liên tục tăng qua từng năm, cá kèo đã trở thành đối tượng thủy sản mới nuôi có hiệu quả cao.

Tuy nhiên, tự phát triển ồ ạt thiếu kiểm soát của mô hình nuôi cá kèo thâm canh kéo theo nhiều hệ lụy, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn tự nhiên, chưa đáp ứng về chất lượng, giá cá giống tăng cao. Vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, không ngừng tăng giá. Do đó, đầu ra của cá kèo thương phẩm không ổn định, khiến người nuôi gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi mật độ cao, bà con cải tạo ao chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật, lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho cá…, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng làm xuất hiện bệnh, cá chết hàng loạt.

 

Theo số liệu của ngành nông nghiệp huyện Hòa Bình tính đến cuối tháng 9/2018, toàn huyện chỉ còn 170ha cá kèo, trong đó xã Vĩnh Mỹ A 154ha. Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng theo các nhà chuyên môn thì mô hình nuôi cá kèo luân canh với nuôi tôm theo hình thức thâm canh là một giải pháp hữu hiệu để khắc phục những ao nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Nuôi luân canh cá kèo - tôm có ưu điểm là giúp cải tạo ô nhiễm môi trường cho ao nuôi tôm, giúp cắt đứt mầm bệnh cho ao tôm, ngoài ra nước thải ra của ao nuôi cá kèo dùng nuôi tôm thẻ chân trắng cũng rất thích hợp.

Giải pháp phòng chống dịch bệnh

Để giúp bà con nuôi cá kèo khắc phục khó khăn, phòng chống dịch bệnh, vừa qua Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Bình kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá kèo cho bà con nông dân xã Vĩnh Mỹ A; nhằm cung cấp nhiều kiến thức cho bà con về kỹ thuật cải tạo ao nuôi, cách lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, quản lý và biệp pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp trên cá kèo… Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo bà con nên áp dụng triệt để mô hình nuôi luân canh một vụ cá kèo - một vụ tôm để cải thiện môi trường, cắt mầm bệnh cho cá nuôi. Đối với những ao đã bị nhiễm bệnh ở vụ trước bà con cần áp dụng triệt để quy trình cải tạo, xử lý mầm bệnh, nên giảm mật độ thả nuôi khi môi trường nuôi cá đã bị ô nhiễm, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại cho vụ nuôi tiếp theo.

Theo đánh giá, mô hình nuôi cá kèo rất có triển vọng nếu bà con không nuôi ồ ạt và phải có một quy trình nuôi khoa học theo hướng bền vững. Để nuôi cá kèo đạt sản lượng, đòi hỏi người nuôi phải chú trọng khâu xử lý nước, chọn con giống tốt và cung cấp đủ thức ăn trong suốt quá trình nuôi. Người nuôi còn tận dụng được nguồn nước sau khi thu hoạch cá để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Kết hợp chuẩn bị ao nuôi có diện tích phù hợp đối tượng nuôi nhằm hạn chế việc phải thay nước sẽ làm hao hụt cá giống. Trước khi thả giống, nước cần được bón vi sinh để gây màu, giữ mực nước thích hợp cho cá kèo… Ngoài yếu tố nguồn nước, con giống, người nuôi cần theo dõi quá trình phát triển cũng như lúc cá bị bệnh để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, người nuôi cũng cần tìm hiểu, nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất có hiệu quả hơn.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác