Khánh Hòa: Cảnh báo tảo độc trên vịnh Vân Phong (11-12-2018)

Tảo độc xuất hiện với mật độ dày trên vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thủy sản chết hàng loạt trong những tháng gần đây.
Khánh Hòa: Cảnh báo tảo độc trên vịnh Vân Phong
Ảnh minh họa

Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng tảo độc xuất hiện ở những vùng biển ven bờ. Các nhà khoa học đã nhận định, hiện tượng này chắc chắn sẽ lặp lại nếu các vùng biển vẫn tiếp tục chịu sức ép về suy thoái môi trường do tăng nóng nuôi trồng thủy sản.

Hiện tại, những hộ nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vân Phong đang lo lắng trước hiện tượng tảo độc xuất hiện, vì số tiền đầu tư cho nuôi thủy sản lồng bè (tôm hùm, cá bớp) thường lên đến cả tỷ đồng. Trong những tháng qua, tôm hùm, cá bớp, ốc hương đột ngột chết hàng loạt đã khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, từ 200-300 triệu đồng, thậm chí 500 triệu đồng.

Sau khi Viện Hải dương học xét nghiệm mẫu nước tại vịnh Vân Phong, kết quả phân tích cho thấy: Mật độ tảo xuất hiện khá dày. Tại Hòn Ong, ở tầng mặt, mật độ tảo lên đến 384.445 tế bào mỗi lít, tầng đáy lên đến 874.763 tế bào mỗi lít. Trong khi đó, mật độ trung bình chỉ từ 30.000-50.000 tế bào/lít. Hơn nữa, trong mẫu nước xét nghiệm có thành phần tảo độc.

Tôm hùm, cá bớp, ốc hương chết hàng loạt

Liên quan đến tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt tại Khánh Hòa, rất nhiều nguyên nhân đã được xác định như: Mật độ nuôi dày đặc (gấp đôi mức quy định); ô nhiễm môi trường; thủy sản nuôi bị nhiễm khuẩn (do nguồn thức ăn tươi sống); các chỉ số nước trong ao nuôi không đảm bảo, thiếu ôxy; nước xả thải không được xử lý, dẫn tới nước từ vùng nuôi bệnh truyền sang vùng nuôi khỏe; chất lượng thức ăn không đảm bảo... Tuy nhiên, nguyên nhân chính đã được xác định. Đó là các loài vi tảo tại khu vực vịnh Vân Phong.

Khuyến cáo đầu tiên được các nhà khoa học và các cơ quan chức năng đưa ra là: Phải điều chỉnh việc nuôi thủy sản ở vịnh Vân Phong theo hướng giảm mật độ thủy sản trong mỗi lồng nuôi, giãn khoảng cách giữa các lồng, không đặt lồng nuôi quá gần bờ, kéo bè nuôi ra các vùng nước thông thoáng, tránh xa khu vực có tàu thuyền ra vào thường xuyên. Riêng ốc hương cần thay nước mỗi ngày và sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường nước ao nuôi cũng như hỗ trợ tiêu hóa cho ốc hương; đồng thời, kết hợp sử dụng các loại thuốc thú y được cấp phép. Đối với tôm hùm, cần bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn; kịp thời phát hiện, tách những cá thể yếu ra khỏi đàn để điều trị kịp thời, tránh lây lan. Ngoài ra, người nuôi cũng cần vệ sinh lồng nuôi, tránh để hàu, hà, rong, rêu bám làm bịt lỗ lưới. Trong quá trình nuôi, cần quản lý và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cũng khuyến cáo các địa phương và người dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong cần chú ý theo dõi hiện tượng tảo nở hoa.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác