Hội nghị bàn giải pháp và định hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản (11-12-2018)

Ngày 06/12/2018, Tại Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị “Giải pháp và định hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện chỉ thị 19/CT-TTg”.
Hội nghị bàn giải pháp và định hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản của 63 tỉnh, thành phố, Viện nghiên cứu Hải sản cùng các phóng viên báo chí đến đưa tin Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Phùng Đức Tiến và Ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì Hội nghị.

Việt Nam là một quốc gia biển, có hệ thống mạng lưới sông ngòi dày đặc, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Trong những năm qua, ngành Thủy sản có vai trò to lớn trong việc tạo sinh kế cho người dân, tạo việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần xóa đói giảm nghèo; đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, ngành thủy sản đã và đang đối mặt với khá nhiều tồn tại, bất cập và thách thức, trong đó khai thác thủy sản phát triển tự phát chưa kiểm soát được; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp với những nghề cấm và vi phạm lãnh hải vẫn còn diễn ra phức tạp; đánh bắt kiểu tận diệt,.. đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản.

Trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản để đưa khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đáng chú ý, trong Luật Thủy sản năm 2017 đã được Quốc hội khóa 14 thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019, trong đó vấn đề đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được quy định chi tiết tại Điều 10, đây là cơ sở pháp lý cao nhất giúp các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương có cơ sở để triển khai hiệu quả trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Do đó, trong thời gian tới, cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện vấn đề đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền nhân rộng các mô hình trong đồng quản lý có hiệu quả.

Để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, Tổng cục thủy sản cùng với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hai bên đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động thả giống phóng sinh trong các dịp rằm Tháng Giêng, rằm Tháng 7, ngày 23/12 âm lịch, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam 1/4 dương lịch hàng năm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai phối hợp với Giáo hội phật giáo tại các địa phương tổ chức thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây được đánh giá là hoạt động có ý nghĩa thiết thực không những trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trườngmà còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến người dân trên cả nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong giai đoạn 2017 – 2018, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và các địa phương đã tiến hành thả phóng sinh 77,8 tấn giống thủy sản tái tạo nguồn lợi tại 30 tỉnh thành, phố trên cả nước với 76,79 triệu con giống. Đã có 24/63 tỉnh thành phố xây dựng mô hình đồng quản lý trong thủy sản. Các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến sử dụng xung điện, thuốc nổ để khai thác thủy sản.

Tại Hội nghị, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Thanh Hóa, Ông Lê Đức Giang cho biết, trong thời gian qua, để ngăn chặn và xử lý vi phạm về sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, lực lượng chuyên trách để xử lý tình hình vi phạm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản mỏng, chế tài xử phạt còn nhẹ do đó tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra, đặc biệt, những trường hợp vi phạm trên biển khó kiểm soát. Để kiểm soát tốt tình hình vi phạm, Ông Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành các văn bản, hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017, trong đó có việc tổ chức lực lượng Kiểm ngư tại địa phương. Bên cạnh đó, cần bổ sung nguồn lực cho điều tra nguồn lợi thủy sản nội đồng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng cho rằng cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017 để có căn cứ triển khai. Hướng dẫn triển khai Đề án phát triển khai thác viễn dương tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước. Khẩn trương triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá khai thác tại các địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong những năm qua đã được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Yêu cầu các địa phương trong thời gian tới tập trung triển khai hiệu quả các Nghị định, Thông tư quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản; xây dựng và triển khai tháng hành động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước.Triển khai thực hiện Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản biển và thủy sản vùng nội đồng. Xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả biên bản ký kết giữa Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam và Tổng cục Thủy sản trong công tác thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm. Tăng cường quản lý các loại hình thủy vực để nhà nước chia sẻ trách nhiệm, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Kiểm soát các hoạt động làm suy giảm nguồn lợi, như: kiểm soát các nghề, ngư cụ cấm sử dụng, khu vực và thời gian cấm khai thác thủy sản, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc trong khai thác thủy sản… từng bước tiến tới chấm dứt hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác