Quảng Ngãi: Tăng cường nuôi tôm các tháng cuối năm 2018 và phát triển nuôi biển (08-11-2018)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, 9 tháng đầu năm 2018 nuôi tôm nước lợ tỉnh Quảng Ngãi đạt kết quả khả quan. Sản lượng tôm nuôi ước đạt 3.987 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2017 và đạt 87,5% kế hoạch năm.
Quảng Ngãi: Tăng cường nuôi tôm các tháng cuối năm 2018 và phát triển nuôi biển
Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm 2018, hoạt động nuôi tôm nước lợ của tỉnh Quảng Ngãi còn đối mặt với một số khó khăn, hạn chế như ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm chưa được giải quyết, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra, kéo dài chưa kiểm soát tốt. Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, dịch bệnh tôm nuôi đã xảy ra trên địa bàn huyện Bình Sơn với 6,9 ha diện tích nuôi tôm bị bệnh phân trắng trong đó xã Bình Chánh 5,7 ha, xã Bình Dương 1,2 ha. Tôm bệnh có thời gian nuôi khoảng 40-50 ngày tuổi. Đã phát hiện kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật xử lý, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế lây lan dịch bệnh sang các vùng khác.

Hiện nay thị trường đang diễn biến rất nhanh theo chiều hướng có lợi cho ngành tôm, giá tôm nguyên liệu trong nước đã tăng trở lại ở mức cao, thời tiết thuận lợi là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Nhằm tận dụng cơ hội thị trường, phòng ngừa dịch bệnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng của ngành, tránh bị thiếu hụt nguyên liệu vào các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện ven biển, thành phố có nuôi tôm chỉ đạo triển khai thực hiện công văn số 1650/UBND-NNTN của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại tại những vùng nuôi có tiềm năng, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các quy định điều kiện nuôi tôm nước lợ; áp dụng các mô hình, giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm; khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh. Phối hợp quản lý tốt chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp kiểm  tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành.

Đồng thời tiếp tục triển khai công tác nuôi trồng thủy sản biển theo quy hoạch đã được phê duyệt. Khuyến khích cải tiến công nghệ nuôi và công nghệ sản xuất lồng để thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, chuyển dần sang thức ăn công nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn lao động, an toàn sinh học, môi trường ở vùng bờ, ven đảo; phát triển nuôi trồng theo hướng có thể truy xuất gốc sản phẩm. Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2019-2020 các địa phương xem xét, triển khai cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi giá trị nuôi biển phù hợp với quy định của nhà nước và tình hình cụ thể của địa phương; từ năm 2020 trở đi, phát triển mạnh nuôi biển công nghiệp xa bờ với các cá nhân tổ chức đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường.

       Xuân Điểm

Ý kiến bạn đọc

Tin khác