Phú Yên: Chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (23-05-2023)

Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành “Quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025”.
Phú Yên: Chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, tỉnh đã quy định cụ thể mức hỗ trợ giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm/ trồng cây lâu năm/ trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2023-2025. Tỉnh Phú Yên sẽ tiến hành hỗ trợ theo nguyên tắc: Trong cùng một thời điểm, một diện tích trồng có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

Về điều kiện để được hỗ trợ: Giống thủy sản phải đáp ứng các yêu cầu theo khoản 1, Điều 23 Luật Thủy sản và có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng các quy định tại khoản 1, Điều 38 Luật Thủy sản và khoản 1, khoản 3, Điều 34 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Cụ thể là: Giống thủy sản phải thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định; Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng; Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản: Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật; Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động; Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hình thức nuôi trồng thủy sản trong ao (đầm/hầm), bể: Bờ ao (đầm/hầm), bể làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi, không rò rỉ nước; nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường; Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu phải bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, vệ sinh phải bảo đảm nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi; Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh phải có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt; nơi chứa bùn thải phù hợp; có biển báo chỉ dẫn từng khu.

Ngoài ra, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng được điều kiện: Trang thiết bị sử dụng trong nuôi trồng thủy sản làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không gây độc đối với thủy sản nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác