Bà Rịa - Vũng Tàu: Sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 7 nghìn tấn (18-05-2023)

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 04 năm 2023 ước đạt 1.654 tấn, tăng 4,03% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.950 tấn, tăng 4,03% so với cùng kỳ 2022, đạt 32,74% so với kế hoạch năm.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 7 nghìn tấn
Ảnh minh họa

Tốc độ tăng trưởng tháng 04 năm 2023 tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022.  Diện tích đang nuôi trong tháng 04 là 5.704,2 ha, trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 1.885,4 ha, chiếm 33,1 %; diện tích nuôi nước mặn, lợ 3.818,8 ha, chiếm 66,9 %; nuôi quảng canh 567,7 ha, chiếm 10,0 %; nuôi quảng canh cải tiến 4.672,6 ha, chiếm 81,9%; nuôi bán thâm canh 134,5 ha, chiếm 2,4 %; nuôi thâm canh 329,5 ha, chiếm 5,8 %. 

Nhìn chung, diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 04 năm 2023 tiếp tục giảm so với năm 2022. Tuy nhiên diện tích giảm chủ yếu ở hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến (năng suất thấp), diện tích nuôi thâm canh (năng suất cao) tăng lên. Do đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn tăng so với cùng kỳ.

 Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 04 tăng, trong đó sản lượng tăng ở đối tượng tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt và thủy sản khác (hàu). 

Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 21 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 419,26 ha, tăng 8,6 ha so với cùng kỳ. Trong đó, gồm có 19 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 407,26 ha. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất hay hồ tròn có lót bạt trong nhà màng, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250 - 500con/m2. Các cơ sở thường nuôi theo nhiều giai đoạn, một năm có thể nuôi được từ 3 đến 5 vụ. Môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt nên các cơ sở nuôi tôm rất hiệu quả. 

Hai công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng là Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam chi nhánh 1 và chi nhánh 2 tại Vũng Tàu, tổng diện tích 12 ha: Công ty nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Thái Lan để cho sinh sản nhân tạo; công ty đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra ngoài môi trường; quy trình sản xuất tại công ty được chứng nhận theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP.

Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm nuôi trồng vẫn ổn định, các nhà máy chế biến và cơ sở nậu vựa vẫn đang thu mua bình thường nên các tổ chức cá nhân vẫn hoạt động bình thường.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra duy trì điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc Sở hỗ trợ Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi theo hướng VietGAP và bền vững, hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn theo từng lĩnh vực, kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.

Phối hợp cùng với địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi phát triển mô hình nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Thường xuyên thực hiện giám sát các vùng nuôi trọng điểm để theo dõi quá trình thả giống, đối tượng thả nuôi, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, đồng thời khuyến cáo người nuôi phương pháp quản lý nuôi tôm nước lợ hiệu quả và an toàn, giảm thiểu dịch bệnh và tăng năng suất nuôi trồng.

Ngoài ra, trong tháng 4 năm 2023, thực hiện công tác thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tại các vị trí. Kết quả cho thấy, số lượt chỉ tiêu môi trường phân tích được là 266 lượt chỉ tiêu. Trong đó, 236 chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép và 30 chỉ tiêu vượt quá giới hạn cho phép.

Dựa vào kết quả phân tích của Trung tâm Khuyến Nông và Bảng giới hạn cho phép các chỉ tiêu tuân theo quy định (QCVN 02-19/2014; QCVN10MT:2015/BTNMT; QCVN 08-MT:2015/BTNMT), Chi cục đã đưa ra các khuyến cáo cụ thể cho bà con nông dân trong nuôi trồng thủy sản đối với các chỉ tiêu vượt quá giới hạn.

Trong tháng 5 năm 2023, Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện công tác lấy mẫu nước quan trắc và quản lý môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đã đề ra; kiểm tra duy trì điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; tổ chức thả giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình quản lý, quy hoạch, định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa nhằm áp dụng triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển nuôi biển tại tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cho người dân nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản.

 Triển khai thực hiện duy tu, bảo dưỡng hệ thống phao cắm mốc nhận dạng vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh; thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật thuỷ sản tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên địa bàn tỉnh; giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trọng điểm để theo dõi quá trình thả giống, đối tượng thả nuôi và kịp thời khuyến cáo bà con các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao năng suất nuôi trồng.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác