Lào Cai: Hướng dẫn khung lịch thời vụ và cơ cấu giống nuôi trồng thủy sản năm 2023 (09-03-2023)

Để chủ động sản xuất thủy sản đảm bảo thời vụ, cơ cấu giống nuôi phù hợp với từng điều kiện loại hình mặt nước của địa phương và nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai hướng dẫn khung lịch thời vụ, cơ cấu giống và quản lý sử dụng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản năm 2023.
Lào Cai: Hướng dẫn khung lịch thời vụ và cơ cấu giống nuôi trồng thủy sản năm 2023
Ảnh minh họa

Nuôi cá truyền thống và loài có giá trị kinh tế như nuôi đơn trong ao, hồ nhỏ: Cá chép, loại ≥6 cm/con, với mật độ là 1,5-2 con/m2; cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng loại ≥5 cm/con, thả 2-3 con/m2; cá lăng chấm loại 200-300gr/con, thả 0,3-0,5 con/m2; cá bỗng loại ≥6 cm/con, thả 2 con/m2; ba ba loại ≥100g, thả 2 con/m2; cá trê loại ≥5 cm/con, thả 15-20 con/m2.

Nuôi trong bể: Cá chình nước ngọt loại ≥100 gr/con, thả 10 con/m2; lươn loại ≥15 cm/con, thả 60 con/m2; ếch loại ≥20 gr/con, thả 60-80 con/m2.

Nuôi lồng bè: Cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng loại ≥20 gr/con, thả 50-80 con/m3; cá chép loại ≥50 gr/con, thả 20-30 con/m3; cá bỗng loại ≥8cm/con, thả 10-15 con/m3; nheo mỹ loại ≥10cm/con, thả 10 con/m3.

Tất cả đối tượng nuôi nuôi đơn trong ao, hồ nhỏ; nuôi trong bể; nuôi lồng bè nêu trên đều thả chính vụ vào tháng 3 - 4, thả thêm vụ thu-đông vào tháng 9 -10. Riêng cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng; ba ba; cá trê; cá chình nước ngọt; lươn chỉ thả chính vụ.

Nuôi ghép trong ao, hồ nhỏ: Cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá trôi, cá mè, ... loại >12 cm/con và cá rô phi, cá chép loại ≥6 cm/con, thả 2-3 con/m2; cá trắm cỏ loại 100-150 gr/con, thả 20-30 con/m3, thả chính vụ vào tháng 4 và 5, còn thả thêm vụ thu-đông vào tháng 9 và 10.

Cá lăng loại ≥20 gr/con, thả 10-15 con/m3; cá chiên loại ≥100 gr/con, thả 18-20 con/m3 thả chính vụ vào tháng 4-6, thêm vụ thu-đông vào tháng 9 và 10.

Đối với nuôi cá nước lạnh như nuôi trong bể/bồn: Cá hồi loại ≥10 cm/con, thả 10-12 con/m3; cá tầm loại >30 gr/con, thả 8-10 con/m3.  Còn nuôi trong lồng: Cá tầm loại ≥50 gr/con, thả 10-15 con/m3, tất cả đều được thả quanh năm.

Người nuôi thủy sản, trước khi thả cá cần tu sửa, vệ sinh ao nuôi như đắp bờ, nạo vét bùn, khử trùng cải tạo ao nuôi bằng vôi bột CaCO3 liều lượng 12-15 kg/100 m2. Mua giống ở các cơ sở uy tín, tin cậy, có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Cá giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình, xây xát, màu sắc tươi sáng thể hiện đặc trưng của loài và các vây, tia vây còn nguyên vẹn; nếu nhập giống ngoài tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định của luật Thú y.

Đồng thời, trước khi thả, tắm cho cá trong dung dịch muối ăn nồng độ 3-5% trong 5-10 phút hoặc dùng thuốc tím nồng độ 7-10ppm tắm trong 10 -20 phút hoặc dung dịch CuSO0,5-0,7g/m3 tắm trong 20-30 phút hoặc các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian thả cá tốt nhất vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả ở đầu hướng gió để cho cá phân bố đều trong ao.

Khi thả cá giống đầu tiên nên ngâm túi ni lông đựng cá vào trong nước ao, hồ, lồng định nuôi khoảng 15-20 phút để cá làm quen với môi trường sống mới, tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt. Sau đó mở một đầu túi, cho nước chảy vào từ từ, để cá bơi ra tự nhiên. Chỉ sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, vi sinh vật trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam để phòng, điều trị bệnh cho động vật thủy sản, liều lượng và thời gian sử dụng tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế, kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi trồng thủy sản: giống thủy sản, thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của phát luật. Hướng dẫn người dân thực hiện khung lịch thời vụ và cơ cấu giống trong nuôi trồng thủy sản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Hướng dẫn người nuôi thủy sản thả giống, đảm bảo thời vụ và hiệu quả; kiểm tra điều kiện sản xuất, chất lượng giống của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của pháp luật.

Định kỳ lấy mẫu giám sát, quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản, đồng thời thông báo kết quả quan trắc, khuyến cáo người dân các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi. Giám sát dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch thủy sản, lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định mầm bệnh.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp: Tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện khung lịch thời vụ sản xuất trong nuôi trồng thủy sản trên phương tiện truyền thông, bản tin khuyến nông.

Trung tâm Giống Nông nghiệp: Chỉ đạo các Trại giống Thủy sản tổ chức sản xuất con giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng đủ nhu cầu con về con giống, đảm bảo thời vụ cho người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác