Bộ trưởng sẽ chủ trì cuộc họp triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (21-02-2023)

Theo Kế hoạch công tác, ngày 23/2/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ chủ trì cuộc họp triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đề án nuôi biển). Dự kiến cuộc họp sẽ bàn về các nội dung, định hướng quan trọng, bàn giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nuôi biển trong thời gian tới.
Bộ trưởng sẽ chủ trì cuộc họp triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Nuôi cá rô phi công nghệ RAS (ảnh: Hải Đăng)

Trong Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đặt ra định hướng giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, nuôi biển được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định sẽ trở thành một trong những trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới. Muốn vậy cần phải khơi thông những vướng mắc, điểm nghẽn ngành nuôi biển hiện nay đang gặp phải như vấn đề về: thiếu quy hoạch; thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân còn vướng mắc; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển; chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển; thiếu nguồn tín dụng để đầu tư nuôi biển công nghiệp…

Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 với mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu sẽ hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Cụ thể đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Phân vùng phát triển phù hợp

Về phát triển nuôi biển gần bờ, ưu tiên phát triển nuôi, trồng các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh trạnh: Nhóm cá biển; nhóm giáp xác; nhóm nhuyễn thể; nhóm rong, tảo biển; sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác. Áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi và đồng quản lý ở vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển.

Với các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, Đề án nêu rõ: Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển ở các tỉnh gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia. Xây dụng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước.

Các tỉnh/thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, phát triển nuôi biển gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản. Phát triển nuôi biển ở các tỉnh có điều kiện thuận lợi. Phát triển sản xuất giống cá biển, rong, tảo biển, sinh vật cảnh tập trung. Xây dựng và vận hành mô hình đồng quản lý trong quản lý và khai thác có hiệu quả, bền vững giống tôm hùm.

Còn với các tỉnh/thành phố từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang, tập trung xây dựng phát triển nuôi biển ở các địa phương có điều kiện; gắn kết hài hòa nuôi biển với dịch vụ, du lịch sinh thái biển, dầu khí, điện gió, giữa phát triển nuôi biển và phát triển công nghiệp chế biến.

Đối với phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ, Đề án xác định sẽ phát triển mạnh nuôi các đối tượng có lợi thế cạnh trạnh và có thị trường tiêu thụ lớn trên vùng biển xa bờ; nhóm cá biển có giá trị kinh tế cao, nhóm nhuyễn thể và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác. Nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão).

Hải Dương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác