Hà Tĩnh: Phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 16.280 tấn (16-02-2023)

Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 199/SNN-TS về việc triển khai thực hiện “Đề án sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2023”. Theo đó, Hà Tĩnh phấn đấu năm 2023 sản lượng NTTS ước đạt 16.280 tấn.
Hà Tĩnh: Phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 16.280 tấn
Ảnh minh họa

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh đặt ra một số chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu sau: Diện tích NTTS 7.490,3 ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 4.705,8 ha, diện tích nuôi mặn lợ 2.784,5 ha; sản lượng NTTS ước đạt 16.280 tấn, trong đó sản lượng nuôi ngọt 6.830 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 9.450 tấn. Về sản xuất, ương dưỡng giống: Giống tôm là 540 triệu con, cá nước ngọt 40 triệu con. Đối tượng khác 01 triệu con.

Nhiệm vụ cần tập trung phát triển NTTS gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Song song là 09 nhóm giải pháp mà các cấp, các ngành quan tâm để triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2023”:

 Thời vụ: Thực hiện tốt khung lịch thời vụ thả giống NTTS năm 2023 theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành. 

Tổ chức chỉ đạo sản xuất: Nuôi thuỷ sản mặn lợ tập trung phát triển đối tượng chủ lực là tôm, các loại cá có giá trị kinh tế cao. Phát triển nhanh nuôi tôm thâm canh, chuyển dần nuôi tôm trong ao đất quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh; chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo môi trường cho các vùng nuôi tập trung; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học, thân thiện với môi trường,...

Nuôi thuỷ sản nước ngọt cần tăng cường phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng trang trại, gia trại nuôi thuỷ sản tổng hợp; đa dạng hoá hình thức nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi các loại thủy đặc sản. Duy trì, phát triển các loài cá kinh tế, loài cá truyền thống trong các vùng nước nội địa...

Sản xuất và cung ứng con giống: Thực hiện tốt việc quản lý giống thuỷ sản (kiểm dịch, chất lượng giống…) theo quy định. Khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi liên kết với các cơ sở sản xuất giống tôm, cá trong việc cung ứng giống; ký kết hợp đồng để tăng trách nhiệm của người sản xuất giống trong việc đảm bảo chất lượng con giống tôm, cá đồng thời giúp cho việc quản lý chất lượng giống từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được tốt hơn.

Quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh: Tổ chức tốt công tác kiểm tra môi trường, thu mẫu tôm tự nhiên để kiểm tra giám sát cảnh báo môi trường, dịch bệnh các vùng nuôi trước khi bước vào vụ nuôi để khuyến cáo người dân các biện pháp cải tạo ao đầm nuôi và phòng ngừa dịch bệnh phù hợp.

Tăng cường và chủ động quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh vùng nuôi tập trung, các vùng nuôi tôm trên cát, vùng cửa sông ven biển, vùng nuôi cá lồng trên sông,...; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý môi trường,..

Thức ăn, thuốc và hóa chất, chế phẩm sinh học: Thực hiện tốt việc quản lý thức ăn thủy sản, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường NTTS theo quy định; tăng cường tuyên truyền tập huấn các quy định của nhà nước đến các hộ sản xuất, kinh doanh và người NTTS. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát; xử phạt nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong NTTS,..

Khoa học công nghệ và công tác khuyến ngư: Phát triển công nghệ nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi theo quy trình VietGAP; tăng cư­ờng hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong NTTS đảm bảo đồng bộ từ khâu chuyển giao ứng dụng, xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình,..

Phát triển thị trường: Kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ATTP hướng tới xuất khẩu; thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần xây dựng nền sản xuất bền vững, hiệu quả…

Nguồn vốn và chính sách: Thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và của Tỉnh đã ban hành; tranh thủ nguồn vốn Trung ương và các tổ chức nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, giống thuỷ sản, các dự án dịch vụ hậu cần nghề nuôi; huy động các nguồn vốn trong dân, các tổ chức kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

Chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thủy sản: Cập nhật, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về NTTS theo quy định nhằm phục vụ quá trình quản lý, chỉ đạo sản xuất, giám sát sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch bệnh; bước đầu hình thành xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi cung ứng đảm bảo tính minh bạch, an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường hướng tới phục vụ xuất khẩu.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác