Sơn La: Phát huy tiềm năng, lợi thế để nuôi trồng thủy sản tăng tốc (15-02-2023)

Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là trên dòng sông Đà và lòng hồ thủy điện Sơn La. Phát huy tiềm năng và lợi thế đó, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp khai thác, sử dụng mặt nước lòng hồ để NTTS, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sơn La: Phát huy tiềm năng, lợi thế để nuôi trồng thủy sản tăng tốc
Ảnh 1: Một lồng cá trên hồ chứa (ảnh: Hải Đăng)

Tiềm năng và thách thức

Sơn La có diện tích có khả năng NTTS khoảng trên 8000 ha, trong đó 2.440 ha ao, trên 5.000 ha hồ đập công trình thủy lợi lớn nhỏ, gần 5.000 ha ruộng lúa có thể kết hợp nuôi cá, có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã, 35 dòng suối lớn nhỏ. Tỉnh Sơn La còn có hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La với diện tích mặt nước thuộc địa phận tỉnh Sơn La là trên 20.000 ha (hồ thủy điện Hòa Bình thuộc địa phận Sơn La là 7.900 ha, hồ thủy điện Sơn La là 13.000 ha). Điều đó khẳng định Sơn La là một tỉnh miền núi có tiềm năng lớn để phát triển NTTS.

Năm 2022, diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La tương đối ổn định. Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản ước đạt 9.308 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 7.979 tấn, khai thác đạt 1.329 tấn), tăng 6,9% so với năm 2021 và bằng 100,3% so với kế hoạch năm.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đạt được, thì NTTS ở Sơn La cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Môi trường NTTS đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động NTTS không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; việc tăng cường quản lý để kiểm soát môi trường và dịch bệnh là vấn đề cấp bách.

Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc sản của Sơn La còn chưa nhiều, trong khi lợi thế cạnh tranh lại đến từ những đối tượng bản địa, đặc thù miền núi như cá chiên, cá lăng, cá anh vũ…

Nhiều chuyên gia cho rằng, NTTS Sơn La cần thay đổi theo hướng phát triển những sản phẩm đặc hữu, qua đó nâng cao giá trị kinh tế. Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi cá tầm, tỉnh cũng nên khuyến khích người nông dân nuôi để phát triển sản phẩm đặc sản này.

Đối với sản phẩm thủy sản của hồ thủy điện Sơn La, đây là một thương hiệu của địa phương cần được xúc tiến kết nối tiêu thụ tới thị trường một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Hiện nay, nhu cầu thủy sản trong lòng hồ của các doanh nghiệp rất lớn. Thế nhưng việc khai thác sản phẩm này vẫn còn hạn chế. Các doanh nghiệp rất cần những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ cho các nhà máy thức ăn, sơ chế - chế biến… Qua đó tạo tiền đề để xuất khẩu những lô hàng thủy sản lớn ra thị trường quốc tế.

Ảnh 2: Tiềm năng mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La rất to lớn (ảnh: Hải Đăng)

Nỗ lực đạt mục tiêu

UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2023 và thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Mục đích Kế hoạch nhằm phát triển NTTS giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sơn La phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh. Khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng phát triển NTTS trên địa bàn tỉnh; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La. 

Kế hoạch cũng đề cập đến 2 nội dung cần thực hiện, gồm: (1) Sản xuất giống: Chủ động nguồn giống có chất lượng tốt tại chỗ đáp ứng nhu cầu con giống phục vụ NTTS trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống thủy sản phù hợp với yêu cầu địa phương. Bổ sung, thay thế đàn cá bố mẹ hiện có, nhập đàn cá bố mẹ các loài nuôi mới, đảm bảo chất lượng đàn cá bố mẹ phục vụ sản xuất giống thủy sản. Giống thủy sản phục vụ NTTS, bổ sung nguồn lợi thủy sản phải đảm bảo chất lượng, được sản xuất, ương dưỡng từ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; đảm bảo sản lượng và đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ NTTS.

(2) Phát triển NTTS các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Khai thác hiệu quả diện tích mặt nước NTTS ao, hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện. Phát triển nghề nuôi cá hồ chứa, nuôi lồng bè an toàn, bền vững. Hình thành các vùng NTTS tập trung nhằm sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất liên kết gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản nuôi. Xây dựng, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác NTTS; tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình NTTS áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP, thủy sản hữu cơ; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản. Phát triển NTTS cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) những vùng có đủ điều kiện nguồn nước, nhiệt độ, khí hậu thích hợp nhằm tạo sản lượng lớn, tập trung để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia thị trường xuất khẩu. Thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong NTTS nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng ngừa khi môi trường thủy sản mất an toàn, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển NTTS bền vững, hiệu quả. Thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong sản xuất thủy sản do biến đổi khí hậu, thiên tai.

Kế hoạch đặt mục tiêu sản xuất thủy sản đến năm 2030: Diện tích NTTS 5.000 ha, trong đó diện tích ao hồ nhỏ 3.250 ha, diện tích mặt nước nuôi cá lồng 1.750 ha. Số lồng NTTS ổn định từ 11.000 - 11.500 lồng. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 15.000 - 17.500 tấn. Số cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống 10 cơ sở. Xuất khẩu trứng cá tầm từ 500 - 600 kg. Có 30 - 40 % sản lượng thủy sản sản xuất ra hàng năm trở lên áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc các quy trình tương tự. Giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 700 - 750 tỷ đồng bằng 2,5 - 3% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển kinh tế ngành thủy sản nắm giữ vai trò trọng tâm trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số 4.0 trong hoạt động quản lý, hoạt động sản xuất thủy sản, hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Tập trung phát triển sản phẩm chế biến sâu, tăng giá trị tỷ trọng ngành chế biến thủy sản, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, an sinh xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Sơn La hiện đang tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho người dân về nuôi cá lồng, cá nước lạnh, thâm canh các loại thủy sản theo hướng hàng hóa. Chú trọng hướng dẫn người nuôi áp dụng và thực hiện tốt các quy trình sản xuất an toàn để tạo ra các sản phẩm sạch; sử dụng con giống và thức ăn có kiểm soát đầu vào, đảm bảo chất lượng tốt để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và người tiêu dùng. Khuyến khích mở rộng các mô hình NTTS hiệu quả, nhất là các sản phẩm thủy sản đặc hữu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao thu nhập từ khai thác diện tích mặt nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương...

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác