Thanh Hóa: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn (13-02-2023)

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản Thanh Hóa năm 2022 vẫn vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, năm 2023, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 19.200 ha, tổng sản lượng 73.500 tấn.
Thanh Hóa: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn
Ảnh 1: Thu hoạch ngao tại Thanh Hóa (ảnh: Hải Đăng)

Nhiều kết quả tích cực

Tỉnh Thanh Hóa có 102 km bờ biển, diện tích vùng biển khoảng 23.000 km2; có 5 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Bạng, sông Chàng và 610 hồ chứa nước, trong đó 1 hồ lớn tầm quan trọng cấp quốc gia, 10 hồ chứa quan trọng cấp tỉnh…, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Mặc dù trong năm 2022, gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu, thức ăn tăng cao, nhưng NTTS vẫn đạt và vượt kế hoạch.

Tổng diện tích NTTS của tỉnh Thanh Hóa năm 2022 là 19.200 ha, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng ước đạt 70.849 tấn, bằng 107,7% so với cùng kỳ và tăng 4,2% so với kế hoạch. Trong đó, nuôi nước ngọt: Diện tích nuôi ao, hồ nhỏ 14.100 ha, 2.086 ô lồng, sản lượng 36.827 tấn, tăng 1% so với kế hoạch. Nuôi nước lợ: Diện tích 4.100 ha. Nuôi tôm sú xen ghép với cua xanh, cá biển, tôm rảo... 3.450 ha; tôm thẻ chân trắng thâm canh 650 ha. Sản lượng ước đạt 13.522 tấn. Nuôi nước mặn: Nuôi ngao 1.140 ha, cá biển 3.654 ô lồng; sản lượng 20.500 tấn.

Bên cạnh đó, sản lượng nuôi các đối tượng chủ lực của tỉnh cũng đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tôm đạt 12.000 tấn (tôm sú 700 tấn, tôm thẻ chân trắng 11.300 tấn) đạt 122,4% kế hoạch; ngao 18.500 tấn, đạt 123% kế hoạch; sản phẩm nuôi biển đạt 1.500 tấn, đạt 100% kế hoạch.

Về công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi, đã triển khai, thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, không có dịch bệnh quy mô lớn đối với các vùng nuôi trồng thủy sản; chỉ có khoảng 30 ha (tôm sú), 50 ha (tôm thẻ chân trắng) bị thiệt hại trong thời gian nuôi 20 - 40 ngày nuôi do bị bệnh đốm trắng, gan tụy cấp và ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, môi trường biến động mạnh...

Đã thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở các vùng nước cấp cho nuôi tôm, nuôi ngao (2 đợt/tháng), thông tin kịp thời đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã có nuôi tôm nước lợ, nuôi ngao, cá lồng để chỉ đạo, điều hành sản xuất. Kết quả quan trắc môi trường đã giúp người nuôi chủ động trong việc lấy nước, sử dụng nguồn nước trong quá trình sản xuất, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra…

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tích cực tổ chức tuyên truyền về các văn bản quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn về nuôi trồng thủy sản an toàn thực phẩm - nuôi tôm theo hướng Quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP).

Đồng thời, tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho 2 cơ sở; cấp giấy xác nhận đối tượng nuôi chủ lực cho 25 cơ sở nuôi tôm (lũy kế đã cấp 291 giấy xác nhận); Kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản cho 3 cơ sở.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực như vậy, song ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Nguồn giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chủ yếu được di ương từ các tỉnh miền Trung nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra xác định nguồn gốc, chất lượng con giống. Thị trường cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng vùng nuôi đang còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn (thiếu hạ tầng ao nuôi, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý môi trường, đường giao thông, đường điện... để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất). Nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, hộ gia đình chiếm thành phần chính, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản chưa nhiều. Hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản hoạt động ít hiệu quả, còn lúng túng, khó khăn từ khâu tổ chức đến vận hành…

Ảnh 2: Ngao Thanh Hóa thương phẩm (ảnh: Hải Đăng)

Giải pháp phát triển năm 2023

Thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 22/9/2022 về thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2030 với mục tiêu:

Đến năm 2025: Diện tích nuôi trồng thủy sản 19.300 ha; thể tích lồng nuôi 215.000 m3; sản lượng đạt 64.000 tấn, trong đó sản phẩm chủ lực: tôm 12.000 tấn, ngao 13.000 tấn; sản phẩm nuôi biển 3.000 tấn.

Đến năm 2030: Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định 19.300 ha; thể tích lồng nuôi 280.000 m3; sản lượng đạt 70.000 tấn, trong đó sản phẩm chủ lực: tôm 16.000 tấn, ngao 13.000 tấn; sản phẩm nuôi biển 2.000 tấn.

Với mục tiêu gần hơn, trong năm 2023, tỉnh kỳ vọng diện tích nuôi trồng thủy sản 19.200 ha (nước ngọt 14.100 ha, nước mặn 1.000 ha, nước lợ 4.100 ha). Tổng sản lượng đạt 73.500 tấn. Trong đó, nước ngọt 37.500 tấn; nước lợ 15.500 tấn (tôm 13.500 tấn: tôm sú 700 tấn, tôm thẻ chân trắng 12.800 tấn); nước mặn 20.500 tấn (ngao 18.000 tấn).

Tỉnh cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện. Thứ nhất là chỉ đạo sản xuất phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng tập trung, quy mô lớn: Vùng nuôi tôm 4.100 ha; vùng nuôi ngao 1.000 ha; nuôi thủy sản lồng/bè. Thứ hai, triển khai Kế hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Thứ ba, triển khai Đề án phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh đã đưa ra một số giải pháp thực hiện. Cụ thể, đối với nuôi ngao: Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng ngao nuôi đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Nuôi cá biển trong lồng: Từng bước giảm số lượng lồng nuôi tại Nghi Sơn, chuyển ra nuôi tại khu vực quanh đảo Hòn Mê, tăng hiệu quả nuôi cá lồng.

Đối với nuôi tôm: Cải tạo ao đầm nuôi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nhất là mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu, phơi đáy, diệt tạp trước khi lấy nước, thả giống theo lịch thời vụ, chọn giống có chất lượng tốt, mật độ thích hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình thực hiện VietGAP trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao.

Đối với nuôi nước ngọt: Phát triển mô hình kinh tế trang trại kết hợp nuôi trồng thủy sản với chăn nuôi, trồng trọt. Phát triển nuôi lồng trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Đối với công tác quản lý: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kỹ thuật, môi trường để hạn chế rủi ro về môi trường, dịch bệnh; cấp mã số nhận diện cho các cơ sở nuôi tôm, nuôi thủy sản lồng bè; tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị; áp dụng VietGAP trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn môi trường.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác