​09 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 (09-02-2023)

Ngày 07/2/2023, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BNN-TCTS Ban hành kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện “Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030”
​09 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030
Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch đặt ra 09 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030, cụ thể các nhiệm vụ như: Quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình; Xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chí thực hiện Chương trình; Phát triển sản xuất giống thủy sản; Phát triển nuôi trồng thủy sản; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; Triển khai các nhóm dự án phát triển nuôi trồng thủy sản.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch lần này là phát triển sản xuất giống thủy sản, đây cũng là yếu tố quyết định rất lớn đến thành công của chuỗi giá trị ngành hàng. Vì vậy, nhiệm vụ nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản và phát triển giống thủy sản sẽ là nhiệm vụ trọng tâm đặt lên hàng đầu trong Chương trình. Bên cạnh đó, tập trung kiểm soát dịch bệnh đối với giống thủy sản trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh và từ nguồn nhập khẩu, đảm bảo không mang mầm bệnh nguy hiểm theo quy định.

Cùng với đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nuôi theo các nhóm loài ưu tiên, đa dạng loài nuôi, sản phẩm nuôi, khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn chứng nhận và kiểm soát điều kiện cơ sở nuôi theo quy định. Xây dựng, thực hiện chương trình giám sát dư lượng an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản và kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. hực hiện quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại công đoạn nuôi. Kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản và xây dựng, phát triển các cơ sở nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản an toàn bệnh dịch, ưu tiên các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và đối tượng nuôi có giá trị sản phẩm hàng hóa lớn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào quan trắc, cảnh báo môi trường và áp dụng công nghệ mới trên nền tảng số để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Đặc biệt, vấn đề về hạ tầng phục vụ trong nuôi trồng thủy sản hiện nay chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, một số hạ tầng bị xuống cấp cần được đầu tư phát triển, Kế hoạch cũng đặt ra nhóm giải pháp tập trung để hoàn thiện, đầu tư nguồn lực để nâng cấp hạ tầng phục vụ NTTS. Theo đó, Kế hoạch đặt ra nhóm nhiệm vụ giải pháp tổng hợp, thẩm định, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đầu mối thiết yếu tại một số vùng sản xuất giống tập trung, vùng NTTS tập trung; hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo, tập huấn; hạ tầng trung tâm giao dịch, cung ứng dịch vụ và thương mại đối với vật tư, thiết bị và sản phẩm thủy sản. Trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của Luật đầu tư công.

Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ đã đặt ra là tập trung phát triển sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thiết bị và vật liệu mới phục vụ nuôi trồng thủy sản. Phát triển sản xuất thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Hải Dương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác