Tuyên Quang phát triển thủy sản theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả, bền vững (13-01-2023)

Ngày 10 tháng 01 năm 2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2030” nhằm cụ thể hóa các nội dung của “Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyên Quang phát triển thủy sản theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả, bền vững
Ảnh minh họa

Trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa có thương hiệu uy tín, gia tăng giá trị, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành chuỗi giá trị sản xuất thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả. Tăng cường nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất thủy sản an toàn sinh học, tiết kiệm tài nguyên...

Mục tiêu chính là phát triển thủy sản theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh; đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi phương thức nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra thiết thực hiệu quả, có tính khả thi; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 3.079 ha. Số lồng nuôi cá 2.728 lồng (số lượng lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao trên sông, hồ thủy điện đạt trên 50%).  Sản lượng thủy sản đạt 14.200 tấn/năm (trong đó cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao 2.683 tấn/năm, cá truyền thống 11.517 tấn/năm). Sản xuất giống thuỷ sản: Đến năm 2025, toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng dịch vụ được 102,15 triệu con cá truyền thống; 2,15 triệu con cá giống đặc sản. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản được sản xuất theo các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.

Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 18.123 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 5%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng trên 70% giống thủy sản các loại; cải thiện chất lượng con giống các loài cá đặc sản, cá chủ lực, trong đó 100% đối tượng cá đặc sản là giống chất lượng cao, sạch bệnh. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản được sản xuất theo các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Chương trình Quốc gia

Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến các cấp chính quyền, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp,các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư và mỗi người dân để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản; chú trọng nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các tiến bộ khoa học kỹ thuật; an toàn trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong các công đoạn sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển sản phẩm thủy sản.

Phát triển giống các đối tượng chủ lực

Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu con giống nuôi thương phẩm; khuyến khích nghiên cứu, tiếp nhận và áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, ương dưỡng giống; phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã được đầu tư; chủ động phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.

Đối với cá truyền thống: Tiếp tục chủ động, mở rộng sản xuất giống nhân tạo; áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất ương dưỡng, chọn giống (giống mới, đơn tính, con lai, đa bội...) để nâng cao chất lượng con giống.

Đối với cá đặc sản: Tiếp tục ứng dụng kết quả của các đề tài, dự án khoa học đã thực hiện thành công, để dần hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh kế cao bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, như cá: Chiên, Lăng chấm, Rầm xanh,... từng bước đáp ứng nhu cầu con giống nuôi thương phẩm cho các tổ chức, cá nhân và hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đối với các loài thủy sản chưa chủ động được việc sản xuất giống nhân tạo: Kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng con giống khi vận chuyển vào địa bàn tỉnh tỉnh.

Nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực

Tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) để phục vụ chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu; tập trung phát triển nuôi thủy sản có giá trị kinh tế trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Đối với cá đặc sản: Tiếp tục phát triển vùng nuôi lồng bè tập trung ở những nơi điều kiện tự nhiên phù hợp (đối tượng chính là cá Lăng chấm, cá Chiên); phối hợp với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện xây dựng và triển khai các mô hình nuôi cá đặc sản theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn khác) trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất có kiểm soát, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường với số lượng lớn, ổn định.

Đối với các loài thủy sản truyền thống, loài có giá trị kinh tế cao: Đẩy mạnh nuôi thâm canh, bán thâm canh trong ao, hồ nhỏ chuyên nuôi thủy sản, hồ thủy lợi, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản mục đích làm cảnh, giải trí ở khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với hoạt động giáo dục, du lịch, thăm quan trải nghiệm trên hồ thủy điện. Đặc biệt, tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản

Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất thủy sản tuần hoàn theo chuỗi giá trị, có kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Nâng cao năng lực công tác kiểm dịch, kiểm soát con giống; lấy mẫu giám sát, cảnh báo an toàn thực phẩm ngay tại công đoạn sản xuất; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.

Phòng, chống dịch bệnh; Bảo vệ môi trường

Triển khai, thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, nuôi lồng bè và các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản đầu tư vào quan trắc, cảnh báo môi trường tại cơ sở sản xuất; áp dụng công nghệ trong thông tin cảnh báo về thời tiết, kết quả quan trắc để người sản xuất chủ động, phòng tránh các sự cố về môi trường và dịch bệnh.

Mặt khác, áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất thủy sản. Có biện pháp quản lý, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế các phế phụ phẩm, thu gom chất thải rắn từ hoạt động sản xuất thủy sản. Tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản

Áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thủy sản. Đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi hữu cơ, sinh thái. Đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến thủy sản để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu tại các cơ sở sản xuất giống thuộc Trung tâm Thủy sản và một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; ưu tiên đầu tư tại các vùng nuôi thủy sản chủ lực, đặc sản với khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có kiểm soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, áp dụng kỹ thuât, công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nuôi trồng thủy sản. Hình thành các khu nuôi thủy sản tập trung theo hình thức nuôi công nghiệp, gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức và kỹ năng trong phát triển thị trường và nuôi trồng thủy sản.

Huy động các nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư phát triển thủy sản; khuyến khích người dân chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản để tạo thành các vùng nuôi thủy sản tập trung. Đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, xúc tiến thương mại, lập Website bán hàng; mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm thủy sản đặc sản; kiểm soát chặt chẽ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm cá đặc sản tỉnh Tuyên Quang.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác