Kon Tum: Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 (09-01-2023)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 864/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Kon Tum: Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045
Ảnh minh họa

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển sản xuất thủy sản trên cơ sở khai thác bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên nước, lợi thế về khí hậu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất và bền vững với môi trường.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1.500 ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 10.600 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 8.600 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.000 tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 10%.

Hướng đến năm 2030 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 11.500 ha, tổng sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn đạt 5.000 tấn/năm; tổng sản lượng thủy sản đạt 42.000 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 37.000 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 5.000 tấn, tổng giá trị đạt 2.100 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 10%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 12 nhóm giải pháp chính cần thực hiện bao gồm: sản xuất giống thủy sản; nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thức ăn thủy sản, khoa học và công nghệ; khai thác, chế biến, xúc tiến thương mại; môi trường và phòng chống dịch bệnh; cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và khuyến ngư; tín dụng, tài chính; về cơ chế, chính sách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực; các chương trình, đề án, dự án ưu tiên thực hiện.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để xây dựng Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 của địa phương để triển khai thực hiện.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện các chính sách giao, cho thuê, thu hồi, trưng dụng đất, mặt nước để phát triển sản xuất thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, thành phố theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chuyển đổi ngành nghề cấm khai thác thủy sản theo quy định pháp luật cho các cộng đồng ngư dân trên địa bàn. Tổ chức giao quyền quản lý, sử dụng vùng nước thủy nội địa cho các tổ chức cộng đồng ngư dân thực hiện đồng quản lý, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thủy sản trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các dự án ưu tiên thực hiện thuộc lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng cho sản xuất thủy sản; bảo tồn, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất thủy sản tập trung gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi đáp ứng nhu cầu quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời phát triển các mô hình, vùng nuôi thủy sản sinh thái, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp, nuôi cá cảnh thương mại thích ứng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm như: công nghệ ương, nuôi bể nổi, công nghệ Biofloc, Semi-Bifloc, công nghệ tuần hoàn, nhà kín… để tăng năng suất, giá trị sản xuất thủy sản.

Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo tồn nguồn gen các loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có giá trị khoa học; ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, bảo quản, chế biến…các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển sản xuất ngành nuôi  trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo địa phương lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thực hiện các thủ tục thu hồi, giao, cho thuê để phát triển sản xuất thủy sản theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy định pháp luật khác có liên quan.

Phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng bản đồ số hóa dữ liệu quan trắc, cảnh báo môi trường nguồn nước các vùng nuôi trồng thủy sản, nuôi lồng bè tập trung trên địa bàn tỉnh, để tích hợp vào hệ thống dữ liệu quan trắc nuôi trồng thủy sản quốc gia, phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, truy xuất dữ liệu về môi trường.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác