Quảng Bình: Thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy giai đoạn 2021-2030 (15-12-2022)

Vừa qua, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình có Kế hoạch hành động số 2159/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030.
Quảng Bình: Thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy giai đoạn 2021-2030
Ảnh minh họa

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14.000 tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025: Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 13.400 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4,0%/năm; chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 05 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực.

Đến năm 2030: Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 07 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn,..

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển sản xuất giống thủy sản: cần thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất; xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; chủ động sản xuất giống các đối tượng nuôi truyền thống đáp ứng nhu cầu của người nuôi; tập trung sản xuất giống đối tượng chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) đảm bảo chất lượng, sạch bệnh,..

Đối với các loài thủy sản đã chủ động sản xuất giống nhân tạo trên địa bàn: Áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất ương dưỡng để nâng cao chất lượng con giống. Đối với các loài thủy sản chưa chủ động sản xuất giống nhân tạo trên địa bàn: Kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng giống nhập tỉnh; khuyến khích nghiên cứu, tiếp nhận và áp dụng công nghệ vào sản xuất, ương dưỡng giống.

Phát triển nuôi trồng thủy sản: Đối với tôm nước lợ: Áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm nước, nhiên liệu, thân thiện môi trường, hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường; nuôi có chứng nhận; nuôi theo hướng giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng vật liệu nhựa gây tác hại đến môi trường sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường,..

Đối với cá biển, nhuyễn thể: Quản lý và kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi theo quy định; phát triển các vùng nuôi nhuyễn thể tập trung đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn của các thị trường; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Từng bước phát triển nuôi biển.

Đối với các loài giáp xác (trừ tôm nước lợ, tôm hùm): Phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh chuyên canh, nuôi xen canh, luân canh. Hình thành các vùng nuôi tập trung ở các địa phương có điều kiện phù hợp;… phát triển các mô hình nuôi thâm canh, nuôi kết hợp đối với giáp xác khác theo các vùng sinh thái; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đối với các loài cá truyền thống, bản địa, thủy đặc sản: Tổ chức lại các vùng nuôi thủy sản bản địa, thủy đặc sản, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh,…

Ngoài hai nhiệm vụ trên, Kế hoạch còn đề ra một số nhiệm vụ như, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Nông nghiệp và PTNT phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả; hướng dẫn, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch của các đơn vị, địa phương và kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác