Tận dụng tiềm năng lợi thế thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa (03-08-2022)

Với số lượng 6.695 hồ chứa nước, tổng dung tích trên 796.143 triệu m3, phân bố ở 45/63 tỉnh thành, hồ chứa, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hồ chứa đang có vai trò quan trọng trong sản xuất điện, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt. Các hồ chứa còn mang lại lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động khác như du lịch, cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho các cộng đồng người dân sống gần hồ thông qua hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Hồ chứa thường phân bố ở các địa bàn miền núi, Tây Nguyên nên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống, sinh kế của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Tận dụng tiềm năng lợi thế thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa
Ảnh minh họa

Nhằm phát huy tiềm năng về nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, tạo sinh kế, nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước phù hợp với từng loại hồ chứa khác nhau, tại Hội nghị "Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa” với một số tỉnh/thành phố có tiềm năng mặt nước nuôi cá hồ chứa và các cơ quan liên quan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tại Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu định hướng tăng sản lượng nuôi trồng cùng với đó kiểm soát sản lượng khai thác thủy sản để phát triển một cách bền vững. Trong đó, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản các hồ chứa là một trong những giải pháp tận dụng tiềm năng lợi thế để tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản.  

Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa đang gặp phải một số vướng mắc khó khăn liên quan đến các quy định về giao diện tích mặt nước cũng như liên quan đến quy định về quản lý, vận hành hồ chứa, hồ chứa liên hồ chứa liên quan đến hoạt động thuỷ sản hài hoà lợi ích thuỷ lợi, thuỷ điện, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, các công trình, hoạt động khai thác và sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Chính vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy sản rà soát các quy định hiện hành liên quan đến công tác cấp phép nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ, đặc biệt là các bất cập trong công tác đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi lồng bè để tham mưu Bộ đề xuất Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đăng ký, cấp mã số cho cơ sở nuôi lồng bè theo quy định tại Luật Thuỷ sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản. Đặc biệt, tiếp tục triển khai thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa hằng năm đã mang lại hiệu quả và hiệu ứng lan tỏa trong chương trình phối hợp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua.

Triển khai thí điểm từ 1 đến 3 tỉnh/thành phố có tiềm năng phát triển thuỷ sản trên hồ chứa, rà soát hiện trạng hồ chứa (diện tích, dung tích, khí tượng thuỷ văn,môi trường, ...); phối hợp với địa phương và Viện kinh tế và Quy hoạch thủy sản xây dựng kế hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cung ứng giống, thức ăn, tổ chức nuôi trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững, làm cơ sở chỉ đạo, nhân rộng.

Liên quan đến các vướng mắc quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy lợi rà soát, đánh giá các quy định hiện hành liên quan đến quản lý, vận hành hồ chứa, hồ chứa liên hồ chứa liên quan đến hoạt động thuỷ sản hài hoà lợi ích thuỷ lợi, thuỷ điện, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, các công trình, hoạt động khai thác và sử dụng nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Mặt khác, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ khoa học công nghệ, sản xuất giống, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, xây dựng các mô hình khuyến nông về nuôi trồng, quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ; các mô hình sản xuất gắn với du lịch sinh thái; tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn về phát triển liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản vùng lòng hồ; tuyên truyền, hướng dẫn cho người nuôi về chất lượng, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm để sản xuất sản phẩm thuỷ sản sạch đáp ứng tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Hỗ trợ người dân nuôi trồng thuỷ sản lồng bè trên hồ chứa; tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác