Bến Tre: Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản (03-06-2022)

Với nhiều diện tích tiềm năng, Bến Tre đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu.​
Bến Tre: Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa

Với khoảng 50 nghìn ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản, tỉnh đã khai thác 45 nghìn ha nuôi thủy sản, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 1,3%/năm giai đoạn 2016-2020. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt xấp xỉ 46 nghìn ha, tăng 2,1 % so với năm trước. Năng suất mô hình nuôi ngày càng được nâng cao. Tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 8-10 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 5,5-6 tấn/ha/vụ, nuôi quảng canh tôm-lúa từ 150-200 kg/ha/năm. Qua đó, đã tạo ra một lượng lớn hàng hóa thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện hướng dẫn thành lập, kiện toàn Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản tại các xã nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; xây dựng kế hoạch phát triển tăng thêm 500 ha trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; đồng thời, hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thành lập Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú (xã Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải).

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025

Tỉnh  Bến Tre xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn mới của tỉnh là: Rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu. Phát triển toàn diện kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng biển, tài nguyên biển; xây dựng và triển khai Đề án thành lập khu kinh tế ven biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41,5 nghìn ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4 nghìn ha, sản lượng 114 nghìn tấn/năm.

Diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Các hệ thống sản xuất tôm nước lợ của tỉnh nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thời gian qua có sự phát triển mạnh theo hướng đa dạng về hình thức canh tác như: chuyên canh tôm, tôm-lúa, tôm-rừng và gia tăng mức độ thâm canh gồm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh, kéo theo sự tăng trưởng nhanh về năng suất cũng như giá trị sản xuất. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức gia tăng.

Điển hình là gia tăng ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh do phát triển nhanh, thiếu quy hoạch. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, kết hợp với biến động giảm nguồn nước ngọt đầu nguồn sông Mekong dẫn đến tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất. Hiệu quả sản xuất thấp do chi phí đầu vào cao. Liên kết trong sản xuất, phối hợp quản lý giữa các ban, ngành còn lỏng lẻo, thị trường đầu ra thiếu ổn định, gia tăng các rào cản kỹ thuật, bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu.

Diễn biến nuôi trồng thủy sản trong những năm gần đây

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2021 có chỉ ra “Do ảnh hưởng của nắng nóng, mặn tăng cao và kéo dài nên nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích bị thiệt hại và chậm thả giống. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh tại các quốc gia là đối tác thương mại nên ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng xuất khẩu thủy sản, giá cả nhiều đối tượng nuôi giảm đáng kể.

Với mong muốn đẩy mạnh phát triển ngành tôm, khai thác tối đa tiềm năng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tôm tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, cần thiết phải xây dựng phương án phát triển ngành tôm tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phương án này là cơ sở cho việc tích hợp vào phương án quy hoạch nông nghiệp trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong giai đoạn 2016-2021, mặc dù diện tích nuôi tôm của tỉnh khá ổn định, chỉ tăng 0,2%/năm (từ 35 nghìn ha năm 2016 lên 35,3 nghìn ha năm 2021), nhưng sản lượng nuôi lại tăng bình quân tới 11,9%/năm (tăng từ 46,278 nghìn tấn lên 81,2 nghìn tấn). Đạt được kết quả này là do ngành nuôi tôm có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.

Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh có xu hướng giảm dần cả về diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng do những vùng thuận lợi được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh giảm bình quân 24,2%/năm (từ 2 nghìn ha xuống còn 500 ha), sản lượng giảm bình quân 16,1% (từ 5,75 nghìn tấn xuống còn 2,4 nghìn tấn). Nuôi tôm thẻ chân trắng tăng 12% về diện tích (từ 5 nghìn ha lên 8,8 nghìn ha) nhưng sản lượng lại giảm 0,9%/năm (từ 37 nghìn tấn xuống còn 35,3 nghìn tấn).

Diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến cũng có xu hướng giảm dần với tốc độ giảm bình quân 3%/năm (giảm từ 28 nghìn ha xuống còn 24 nghìn ha), sản lượng giảm bình quân 0,9%/năm (giảm từ 2,39 nghìn tấn xuống còn 2,28 nghìn tấn). Trong đó, năm 2021, diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chuyên tôm đạt 6,91 nghìn ha (Bình Đại 84 ha, Ba Tri 1,4 nghìn ha, Thạnh Phú 5,43 nghìn ha), tôm-lúa 6,65 nghìn ha (Bình Đại 336 ha, Thạnh Phú 6,31 nghìn ha), tôm rừng 10,43 nghìn ha (Bình Đại 8,9 nghìn ha, Ba Tri 735 ha, Thạnh Phú 798 ha).

Nuôi tôm càng xanh trong giai đoạn 2017-2021, diện tích giảm và giữ ổn định trong những năm gần đây với 1,8 nghìn ha; trong đó huyện Bình Đại 120 ha, Thạnh Phú 617 ha, Giồng Trôm 593 ha, Mỏ Cày Nam 394 ha, Mỏ Cày Bắc 61 ha, Chợ Lách 15 ha. Sản lượng tôm càng xanh tăng bình quân 1,6%/năm, tăng từ 1,1 nghìn tấn lên 1,2 nghìn tấn. Trong thời gian gần đây đã có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (nuôi 2, 3, 4 giai đoạn) tại địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Để công tác quản lý nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao

Ngay từ tháng 01 năm 2022, Chi cục Thủy sản đã tập trung công tác quản lý nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị có liên quan về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, tăng cường công tác quản lý tốt môi trường vùng nuôi, tuyên truyền không xả thải mầm bệnh ra môi trường tự nhiên chưa qua xử lý; ban hành khung lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh năm 2022; Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống; cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm khi có yêu cầu theo quy định; kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cá tra trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thu mẫu quan trắc môi trường tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm, thông báo kịp thời cho người dân chủ động sản xuất….

Tháng 5 năm 2022, Chi cục Thủy sản tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt khung lịch thời vụ, vận dụng tốt các khuyến cáo của ngành về thả giống, các quy định về môi trường, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; tâp trung triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ các cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi. Tiếp tục cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn để phối hợp hỗ trợ kịp thời trong công tác quản lý các đối tượng nuôi thủy sản, đặc biệt, chú trọng đối tượng nuôi nước ngọt trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm, Chi cục Thủy sản Bến Tre còn tích cực khuyến cáo các giải pháp quản lý nhuyễn thể, giúp người nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh vận dụng tốt chỉ đạo sản xuất của Tổng cục Thủy sản. Cùng với đó, khuyến cáo địa phương công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường theo dõi tình hình thả nuôi các đối tượng thủy sản mặn, lợ, ngọt và có giải pháp tháo gỡ kịp thời đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Thúy (t/h)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác