Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là 5,7 triệu đồng/lần (05-01-2022)

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 112/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản.
Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là 5,7 triệu đồng/lần
Ảnh minh họa

Theo đó, thông tư này áp dụng đối với người nộp phí, tổ chức thu phí và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng 03 loại phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản sau: (1) Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản (Thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu); (2) Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (Thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở sản xuất); (3) Phí thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực thủy sản (Thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản).

Tổng cục Thủy sản; Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản; Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính là các tổ chức thu phí. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, tổ chức thu phí phải thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm (theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế).

Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước; Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

BIỂU PHÍ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản sẽ phải nộp phí theo các mức đã được quy định tại Thông tư như sau: (1) Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản (thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu): 470.000 đồng/lần/sản phẩm; (2) Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở sản xuất): 5.700.000 đồng/lần; (3) Phí thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực thủy sản (thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản): 5.700.000 đồng/lần.

Trong đó, các mức thu phí của mục (2) và (3) nêu trên chưa bao gồm chi phí đi lại của đoàn đánh giá; Chi phí đi lại do tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định chi trả theo thực tế, phù hợp với quy định.

Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 284/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản và Thông tư số 09/2018/TT-BTC ngày 25 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 284/2016/TT-BTC.

Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư này dược thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Thông tư 112/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác