Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản (04-11-2021)

Ngày 04 tháng 11 năm 2021, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã chủ trì Hội thảo xây dựng “Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030”.
Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản

Đây là một trong 11 chương trình, đề án ưu tiên trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Hội nghị trực tiếp, trực tuyến góp ý dự thảo “Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030”

Hội thảo đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; điểm cầu chính tại Tổng cục Thủy sản (Hà Nội), kết nối với các điểm cầu tại một số cơ quan, đơn vị, Hội, Hiệp hội. Theo đó, Tổ tư vấn, Tổ soạn thảo Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản mong nhận được những định hướng, chỉ đạo sát hơn để hoàn thiện bản dự thảo này trước khi trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản (gồm: Vụ Nuôi trồng thủy sản, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp chế Thanh tra, Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản); Cục Thú y, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Ngoài ra, tại các điểm cầu còn có sự góp mặt của lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, hội, hiệp hội ngành hàng… Đặc biệt, cùng tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia đầu ngành với nhiều kinh nghiệm sâu sắc, đã nhiệt tình đóng góp ý kiến vì sự phát triển ngành Nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Tại hội thảo, Tổ tư vấn đã giới thiệu quá trình xây dựng và giải trình một số nội dung mới của “Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030”.

Tận dụng tiềm năng mặt nước lớn

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa là một nội dung được hội thảo rất quan tâm. Bài tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởngViện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản) đã trình bày chi tiết, rõ ràng các vấn đề có liên quan đến việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các mặt nước lớn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Đối với vấn đề phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã nêu rõ:

Tại vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa tại khu vực trung du, miền núi, cung cấp nguồn thực phẩm tiêu thụ nội địa, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại vùng Đông Nam bộ, nuôi thủy sản hiệu quả trên các hồ chứa lớn nhằm tăng thu nhập cho người dân và cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa.

Tại vùng miền núi, trung du phía Bắc và Tây Nguyên, phát triển nuôi thủy sản trên hồ chứa, các thủy vực nội đồng, nuôi các loài thủy sản truyền thống và thủy đặc sản có giá trị kinh tế nhằm tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân. Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các đối tượng thủy sản nước lạnh cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Chủ động số lượng giống thủy sản, nhất là các đối tượng nuôi chủ lực

Chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng. Gia hóa, chọn giống các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra,...) đáp ứng nhu cầu giống có chất lượng cao, sạch bệnh cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi đang còn phụ thuộc vào nguồn giống khai thác từ tự nhiên (tôm hùm, nhuyễn thể, cá biển,...).

Xác định được nhu cầu vốn và nguồn vốn

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam) nhận định việc xây dựng Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản là rất cấp thiết nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Theo ông, tại Quyết đinh 339 đã chỉ rõ bốn loại hình nguồn vốn để thực hiện Chiến lược; vì vậy, để triển khai thực hiện Chương trình này, phải xác định rõ nhu cầu vốn và nguồn vốn, nội dung nào sẽ dùng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn ODA hay do tư nhân làm.

Khoa học công nghệ là giải pháp then chốt

Khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, quan trọng, quyết định tăng năng suất, giảm giá thành, gia tăng giá trị nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, sẽ ập trung giải quyết những vấn đề sau: Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo quản gen, nhân giống thủy sản nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị khoa học, kinh tế cao. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, chất lượng, tuần hoàn, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi hữu cơ, sinh thái. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc, chế phẩm sinh học phục vụ công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong chuẩn đoán, phòng trị bệnh; giảm, thay thế sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Sau các ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến, đóng góp cho bản dự thảo “Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030”, Hội thảo đã thống nhất xác định: Các nội dung của Chương trình sẽ bám sát “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam” để đề ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp. Sẽ cố gắng không bỏ sót việc cho 10 năm tới, nhưng đồng thời cũng không đề ra quá nhiều nội dung, khó bao quát trong khoảng thời gian dài 10 năm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, bản dự thảo này sẽ phải logic từ quan điểm, mục tiêu, giải pháp… nhằm đảm bảo tính thống nhất, đầy đủ, không thừa không thiếu, để có tính khả thi cao nhất, triển khai hiệu quả trong 10 năm tới. Ngoài các nội dung đã đề cập ở trên, cần phải chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất… Từ đó, đưa ngành Nuôi trồng thủy sản vào quy củ, phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, trách nhiệm, đúng như yêu cầu được nêu trong “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác