Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản làm thức ăn tươi sống không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện (23-07-2021)

Đó là một trong những nội dung vừa được bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 (Nghị định 26) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan xin ý kiến.
Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản làm thức ăn tươi sống không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện
Ảnh minh họa

Sau hơn 02 năm áp dụng thi hành Nghị định số 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã mang lại kết đáng nghi nhận trong việc kiểm soát quản lý trên tất cả lĩnh vực trong ngành thủy sản từ nuôi trồng thủy sản, quản lý về giống thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; lĩnh vực Kiểm ngư; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)... Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai có một số nội dung cần xem xét, rà soát điều chỉnh bảo đảm tính khả thi, tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa theo tinh thần cải cách hành chính, phù hợp với một số luật mới được ban hành và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, liên quan đến Điều 21: quy định về cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này được sửa đổi khoản 7 và bổ sung thêm khoản 8,9 của Điều 21, với nội dung cụ thể như sau:

Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai theo quy định.

Cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản khi tham gia một, một số hoặc toàn bộ quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản do cơ sở khác công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: (a) Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải phù hợp với điều kiện ghi trong Giấy chứng nhận. Trước khi sản xuất, ương dưỡng phải thông báo bằng văn bản đến cơ cơ quan cấp Giấy chứng nhận để giám sát, quản lý; (b) Thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm b, c, đ, e, g, h khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản. Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng và giao một bản sao cho cơ sở có giống thủy sản công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để lưu giữ phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Cơ sở có giống thủy sản công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng khi sản xuất, ương dưỡng tại cơ sở khác có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm a, d, g khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản và thực hiện lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng.”

Ngoài ra, để thực hiện cải cách hành chính, loại trừ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sản xuất ban đầu không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này đã bổ sung khoản 4 Điều 27, cụ thể:

Cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, gồm: Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản làm thức ăn tươi sống (không bao gồm cơ sở sản xuất vi tảo làm thức ăn thuỷ sản); Cơ sở sản xuất nguyên liệu thức ăn thuỷ sản là sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình sản xuất nông lâm sản, thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm (cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm sản và thuỷ sản).

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác