Nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn thủy sản nhằm đảm bảo sức khỏe cho người và vật nuôi (23-10-2020)

Ngày 21 tháng 9 năm 2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã ký Quyết định số 3755/QĐ-BNN-TCCB ban hành “Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ lấy mẫu thức ăn thủy sản”.
Nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn thủy sản nhằm đảm bảo sức khỏe cho người và vật nuôi
Ảnh minh họa

Theo đó, các Cơ sở đào tạo/bồi dưỡng được Bộ giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng căn cứ vào Chương trình được ban hành để xây dựng, ban hành tài liệu bồi dưỡng và tổ chức mở lớp theo quy định. Đối tượng bồi dưỡng là công chức/ viên chức/ người lao động thuộc cơ quan kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản. Mục tiêu chính của Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ này là: Trang bị, cập nhật kiến thức và các kỹ năng cơ bản về lấy mẫu thức ăn thủy sản, góp phần nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người và vật nuôi.

Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ sẽ được thực hiện qua các Chuyên đề đi từ kiến thức chung đến kỹ năng riêng về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển thức ăn thủy sản; Trong đó: Chuyên đề 1 - Quy định chung về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu thức ăn thủy sản (giúp học viên hiểu và nắm được tổng quan các kiến thức cần có của người lấy mẫu thức ăn thủy sản); Chuyên đề 2 - Phương thức lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu thức ăn thủy sản. Yêu cầu học viên phải hiểu những kiến thức của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lấy mẫu thức ăn thủy sản, những tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu, phương pháp lấy mẫu và bảo quản để giữ nguyên được tính chất của mẫu; Lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển đến phòng kiểm nghiệm để kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng thức ăn theo đúng quy định hiện hành.

Tài liệu bồi dưỡng được biên soạn theo đúng chương trình bồi dưỡng về lấy mẫu thức ăn thuỷ sản được cấp có thẩm quyền ban hành. Tài liệu bồi dưỡng được cập nhật trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về lấy mẫu thức ăn thủy sản hiện hành (tại thời điểm mở lớp). Nội dung chương trình phù hợp, bảo đảm cung cấp cho học viên những kiến thức mới nhất, trau dồi những kiến thức đã có, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cơ bản để học viên có thể triển khai quy trình lấy mẫu theo đúng quy định. Đặc biệt, các chuyên đề phải được biên soạn theo kết cấu mở để tạo điều kiện thường xuyên bổ sung, cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới, quy định mới của các bộ, ngành, địa phương cũng như những kiến thức, kinh nghiệm mới vào nội dung bài giảng.

Đối với phần hướng dẫn thực hành tại cơ sở, nội dung hướng dẫn thực hành tại cơ sở phải được biên soạn phù hợp, bám sát mục đích, yêu cầu của chương trình, kết hợp trình bày lý thuyết gắn với thực tiễn lấy mẫu thức ăn thủy sản. Giảng viên giảng dạy là các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý về thức ăn thủy sản và nghiệp vụ lấy mẫu; các giảng viên của cơ sở đào tạo/bồi dưỡng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành và có chuyên môn phù hợp với chuyên ngành.

Giảng viên vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại bảo đảm phù hợp đối với từng chuyên đề, bảo đảm mục tiêu lấy người học làm trung tâm, đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng triệt để thời gian trao đổi, thảo luận, thực hành dành cho mỗi chuyên đề, đúc rút bài học kinh nghiệm thực tiễn. Về phía học viên, chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập các kiến thức, kỹ năng lấy mẫu thức ăn thủy sản để ứng dụng vào thực tế công việc, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn nghề nghiệp trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng thức ăn (nhằm đảm bảo sức khỏe cho người và vật nuôi).

Về việc thực hành sau khi học lý thuyết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ sở đào tạo/bồi dưỡng lựa chọn địa điểm cho phù hợp với học viên. Đồng thời, các cơ sở đào tạo/bồi dưỡng căn cứ các quy định chi tiết của “Chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ lấy mẫu thức ăn thủy sản” để thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập cần chỉnh sửa, bổ sung, các cơ sở đào tạo/bồi dưỡng cần gửi văn bản báo cáo tới Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Quy định việc lấy mẫu thức ăn thủy sản gồm các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu thức ăn thủy sản (Luật, Nghị định, Thông tư; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn Việt Nam về lấy mẫu). Quy trình về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu thức ăn thủy sản như sau: (1) Chuẩn bị lấy mẫu (Nhận diện lô hàng trước khi lấy mẫu; Phân loại sản phẩm đối với mục đích lấy mẫu; Chuẩn bị dụng cụ lấy mẫu); (2) Tiến hành lấy mẫu (Xác định vị trí, thời điểm lấy mẫu; Xác định cỡ mẫu); (3) Bảo quản và vận chuyển mẫu (Làm đầy và hàn kín vật chứa mẫu; Niêm phong mẫu; Ghi nhãn mẫu; Gửi mẫu và bảo quản mẫu phòng thử nghiệm; Hoàn thiện biên bản lấy mẫu).

Quyết định số 3755/QĐ-BNN-TCCB cũng quy định rõ việc lấy mẫu đối với 04 loại thức ăn thủy sản: Thức ăn dạng rắn (hạt) như: Ngũ cốc, hạt có dầu, đậu đỗ và viên; Thức ăn dạng rắn (bột); Thức ăn dạng lỏng; Thức ăn dạng bán lỏng. Trong đó có các lưu ý khi lấy mẫu rời (hoặc từ bao gói), số lượng mẫu ban đầu cần lấy, cỡ mẫu, cỡ lô, lưu ý khi lấy mẫu bột thô, lấy mẫu (từ bể chứa, thùng, vật chứa nhỏ), mẫu không thể trộn hoặc mẫu đang chuyển động, mẫu có độ nhớt thấp, dễ khuấy và dễ trộn, mẫu có độ nhớt cao, không dễ khuấy, không dễ trộn... Khi thực hành lấy mẫu thức ăn thủy sản, tiến hành trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp lấy mẫu thức ăn thủy sản sẽ giúp kết nối giữa lý thuyết với thực hành. Cơ sở thực hành là các Cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn thủy sản/ Cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản…

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác