Ứng dụng các nghiên cứu về tăng trưởng bù trên cá tra nuôi. (17-03-2017)

Tăng trưởng bù ở một số loài cá là giai đoạn tăng trưởng rất nhanh, xuất hiện khi cá được ăn trở lại sau một thời gian bị bỏ đói, kèm theo tăng trưởng bù là sự gia tăng thèm ăn bất thường trên cá. Hiện tượng này đã được ghi nhận trên nhiều loài cá như cá hồi, cá chép, cá rô phi, cá tra, cá nheo, …
Ứng dụng các nghiên cứu về tăng trưởng bù trên cá tra nuôi.
Ảnh minh họa

Tăng trưởng bù phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chất lượng nước, sự phân đàn, khẩu phần protein và năng lượng trong suốt thời gian cho ăn bù. Những loài cá khác nhau có tăng trưởng bù khác nhau. Tăng trưởng bù và vượt là hiện tượng cá sau khi bị bỏ đói được cho ăn trở lại thì chúng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với những cá được cho ăn liên tục.

Trong nuôi thủy sản, chi phí thức ăn có thể chiếm đến 70% tổng chi phí khi nuôi thâm canh. Đối với nuôi cá tra công nghiệp, tỷ lệ này có thể lên đến 72,6 - 78,4% tổng chi phí nuôi khi sử dụng thức ăn tự chế hay thức ăn công nghiệp. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, người nuôi thường có những nỗ lực nhằm giảm chi phí thức ăn.

Bài viết này xin giới thiệu những nghiên cứu về phương pháp cho ăn gián đoạn trên cá tra, một loài cá đang được nuôi phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long.

Thí nghiệm của Rohul Amin và ctv (2005) kéo dài 18 tuần được thực hiện trên cá tra có trọng lượng trung bình ban đầu 40,48 g/con. So sánh tăng trưởng, nhu cầu thức ăn hằng ngày, hệ số thức ăn của cá được cho ăn hằng ngày theo nhu cầu với các nhóm cá được cho ăn gián đoạn theo chu kì: 1 ngày cho ăn/1 ngày không cho ăn; 2 ngày cho ăn/2 ngày không cho ăn; 5 ngày cho ăn/5 ngày không cho ăn. Kết quả cuối thí nghiệm cho thấy trọng lượng cơ thể (525,36 g/con) và tốc độ tăng trưởng của chế độ cho ăn 1 ngày cho ăn/1 ngày không cho ăn không có khác biệt so với cá được cho ăn hằng ngày và lớn hơn các chế độ cho ăn còn lại trong thí nghiệm. Hơn nữa, cá được cho ăn hằng ngày có FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn) lớn nhất (1,65), so với FCR ở chế độ 1 ngày cho ăn - 1 ngày không cho ăn là 1,14. Kết quả thí nghiệm cho thấy có thể giảm được chi phí thức ăn nuôi cá tra với chế độ cho ăn 1 ngày cho ăn - 1 ngày không cho ăn nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng.

Dương Hải Toàn (2010), nghiên cứu ảnh hưởng của sự cho ăn gián đoạn lên tăng trưởng của cá tra giống trong thời gian 90 ngày. Trong suốt thời gian thí nghiệm, các nhóm cá được ăn theo nhu cầu (ăn đến no) với chế độ 2 lần/ngày. Nhóm đối chứng cho ăn liên tục. Các nhóm còn lại cho ăn với chế độ: cho ăn 7 ngày - gián đoạn 2 ngày; cho ăn 7 ngày - gián đoạn 3 ngày; cho ăn 7 ngày - gián đoạn 4 ngày. Kết quả là cá được cho ăn gián đoạn ở chế độ cho ăn 7 ngày - gián đoạn 3 ngày có trọng lượng lớn hơn và FCR nhỏ hơn so với nhóm cá được cho ăn hàng ngày, được đánh giá là tốt nhất so với các nhóm còn lại. Thêm vào đó, sinh trưởng của cá cho ăn 7 ngày thức ăn 30% đạm và 3 hoặc 5 ngày thức ăn 18% đạm khác biệt không có ý nghĩa với cá cho ăn hằng ngày thức ăn 30% đạm; hệ số thức ăn của cá được cho ăn 7 ngày 30% đạm và 3 ngày 18% đạm khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với cá cho ăn liên tục thức ăn 30% đạm.

Một nghiên cứu được thực hiện trên cá tra nuôi thương phẩm từ tháng 6/2010 - 01/2012 tại Vĩnh Long cho thấy cho cá ăn 7 ngày - ngừng 2 ngày đã giảm chi phí sản xuất, cải thiện tăng trưởng và năng suất, giảm hệ số thức ăn so với nhóm cá được cho ăn hàng ngày theo nhu cầu.

Kết quả của một nghiên cứu khác được thực hiện tại tỉnh An Giang (2013) trên cá tra có khối lượng trung bình 13,17 g trong 120 ngày về phương pháp cho ăn gián đoạn. Kết quả là cá cho ăn theo chế độ cho ăn 1 ngày gián đoạn 1 ngày có các chỉ tiêu tăng trưởng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, hiệu quả sử dụng đạm đạt cao nhất; hệ số thức ăn (FCR), chi phí thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng lại thấp nhất. Chi phí thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng của nghiệm thức cho ăn 1 ngày gián đoạn 1 ngày đã giảm đi được 31,57% so với nghiệm thức cho ăn liên tục. Tỷ lệ sống giữa các nghiệm thức không có sự khác biệt thống kê.

Theo Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ), trong các mô hình nuôi cá tra hiện nay, chi phí thức ăn thường chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất với hệ số thức ăn dao động trong khoảng 1,6 - 1,85 (để sản xuất mỗi kg cá cần 1,6 - 1,85 kg thức ăn). Tuy nhiên, nếu người nuôi cá thực hiện chế độ cho ăn gián đoạn theo chu kỳ một ngày ăn một ngày nghỉ thì hệ số thức ăn giảm chỉ còn 1,45 - 1,5 (giảm 0,1 - 0,4 kg thức ăn cho mỗi kg cá) trong khi cá vẫn tăng trưởng tốt.

Áp dụng chế độ cho ăn gián đoạn trong nuôi cá tra thương phẩm và các loài cá khác không những tiết kiệm về chi phí thức ăn mà còn giảm các chi phí khác trong quá trình vận hành sản xuất và đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

         Anh Chi (Tổng hợp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác