Sản xuất giống thủy sản năm 2016 (04-01-2017)

Trong năm 2016, xác định vai trò quan trọng đối với chất lượng giống trong nuôi trồng thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã triển khai chương trình phát triển tôm nước lợ và triển khai 09 dự án giống tại các tỉnh ĐBSCL. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản đẩy mạnh công tác chọn tạo giống tôm chất lượng cao.
Sản xuất giống thủy sản năm 2016

Với nhu cầu tôm giống hàng năm khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230 nghìn con (trong đó: 200 nghìn tôm thẻ chân trắng và 30 nghìn tôm sú). Hiện tại nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống ở nước ta từ 3 nguồn đánh bắt tự nhiên; từ nhập khẩu; sản xuất trong nước.

Đến nay, trên cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú, và 561 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng). Các cơ sở chủ yếu tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau. Riêng đối với các cơ sở sản xuất giống cá tra hiện  chủ yếu tập trung tại 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang. Hiện cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra và hơn 4.000  hộ ương dưỡng. Hàng năm các cơ sở sản xuất được khoảng 25 – 28 tỷ con cá bột cung cấp đủ nhu cầu cho người nuôi.

Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm trước đây chủ yếu  là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Tuy nhiên, một vài năm gần đây đang có sự dịch chuyển vào các tỉnh phía Nam như Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ ngày càng bị thu hẹp và có xu hướng tập trung thành các tổ hợp có quy mô lớn hơn. Mặc dù sản xuất giống ở phía Nam điều kiện không thuận lợi như miền Trung nhưng con giống sản xuất tại chỗ thích nghi tốt với môi trường, giảm giá thành vận chuyển, sức khỏe tôm giống tốt hơn.

Trong năm 2016, Tổng cục Thủy sản đã cử các đoàn phối hợp với các địa phương kiểm tra chặt chẽ chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu tại các cơ sở nhập khẩu tôm giống bố mẹ. Tổng cục thủy sản đã tiến hành kiểm tra 147.494 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ được các cơ sở trên cả nước nhập khẩu chủ yếu từ các nước như: Mỹ, Singapo, Thái Lan, Mexico…Hầu hết các cơ sở đã nhập khẩu nguồn giống  tôm thẻ chân trắng bố mẹ có chất lượng cao với nguồn gốc rõ ràng.

Trong những năm qua, diện tích nuôi cá rô phi có xu hướng tăng lên, kim ngạch xuất khẩu rô phi trong năm 2016 dự kiến đạt khoảng 45 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện diện tích nuôi cá rô phi đạt khoảng 25 nghìn ha, sản lượng trong năm 2016 ước đạt 200 nghìn tấn. Diện tích cá rô phi tăng lên kéo theo nhu cầu về giống cá rô phi tăng theo, đến nay cả nước có 236 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá rô phi và sản xuất được khoảng 250 triệu con giống cung cấp cho thị trường.

Tuy đã đạt được những thành tựu về sản xuất và cung ứng giống, nhưng vẫn còn nhiều bất cập hạn chế đối với con tôm giống ở nước ta như: Tôm bố mẹ được cung cấp chủ yếu từ nguồn nhập nội và khai thác từ tự nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được sản xuất trong nước (tôm sú 34,3%; TTCT 5,0%) dẫn đến sản xuất thiếu tính chủ động, phụ thuộc vào các nước xuất khẩu. Chất lượng tôm bố mẹ còn chưa ổn định, việc nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn chậm, mặc dù đầu tư hỗ trợ của nhà nước nhưng chương trình tôm bố mẹ chưa được như mong muốn; Các nước trên thế giờ hiện nay đa số chọn tạo tôm bố mẹ theo hướng sạch bệnh (SPF) và tăng trưởng, chưa chú trọng đến kháng bệnh.

Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển tôm nước lợ, trong đó có nhiệm vụ rà soát các chương trình, dự án để phục vụ cho một mục đích là tạo ra đàn tôm chọn giống trong nước có chất lượng, hạn chế việc nhập khẩu. Trong đó, Tổng cục Thủy sản tiếp tục giao cho các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục chọn tạo tôm bố mẹ trong nước theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác