Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng chống dịch bệnh thủy sản (06-12-2022)

Để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, trung tuần tháng 11/2022, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2023.
Thái Nguyên: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng chống dịch bệnh thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ chủ động ngăn ngừa, hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, đáp ứng nhu cầu nguồn cung thủy sản trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, đảm bảo sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; vận động toàn dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản liên quan. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và cả nước. Thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo vệ sức khỏe con người và vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng nhân viên, cộng tác viên thú y cơ sở tại các xã, phường, thị trấn; mở các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh và kiến thức pháp luật thú y đối với các hộ nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện kiểm dịch vận chuyển đối với động vật thủy sản sử dụng làm giống, động vật thủy sản thương phẩm, sản phẩm động vật thủy sản xuất phát từ vùng công bố dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát. Việc kiểm dịch vận chuyển động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật.

Giám sát chủ động: Chủ động giám sát thường xuyên, điều tra dịch bệnh theo quy định, lấy mẫu giám sát định kỳ để đánh giá lưu hành vi rút gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên; các bệnh thường gặp, các bệnh mới trên các loài thủy sản chủ lực, tiềm năng của tỉnh (Cá Rô phi, cá Trắm, cá Chép, cá Lăng, cá Tầm,... ).

Giám sát bị động: Điều tra, giám sát khi có thông tin dịch bệnh thủy sản; thông tin về dịch bệnh phải được thu thập đầy đủ, chi tiết và kịp thời. Đề xuất nghiên cứu các yếu tố nguy cơ; lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường khi có dịch bệnh xảy ra để xét nghiệm xác định nguyên nhân. Tổng hợp, đánh giá, đưa ra kết luận chẩn đoán và hướng dẫn biện pháp xử lý phù hợp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tham mưu tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023, cụ thể: Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp, chuyên môn kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, UBND tỉnh, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Trung tâm thông tin tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

 UBND các huyện, thành phố: Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh động vật và thủy sản năm 2023. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (hoặc đột xuất) kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn tỉnh Thái Nguyên tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh thủy sản: đồng bộ - nhanh chóng - chính xác - kịp thời - triệt để - hiệu quả.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác