Gia Lai thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường giúp hạn chế dịch bệnh nuôi trồng thủy sản (19-10-2022)

Ngày 15/10/2022, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành “Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2023”; Theo đó, các nội dung thực hiện quan trắc, bao gồm:
Gia Lai thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường giúp hạn chế dịch bệnh nuôi trồng thủy sản

Phân tích kết quả nhóm 20 thông số quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản: Nhiệt độ nước, Độ trong, DO (Oxy hòa tan), pH, N-NH4+, N-NO2-, N-NO3-, P-PO43-, H2S, COD (Oxy hóa học), TSS (Tổng chất rắn lơ lửng), Mật độ và thành phần tảo độc, Aeromonas tổng số, Streptococcus sp, Coliform, Thực vật phù du, Thuốc bảo vệ thực vật, Cd, Hg, Pb. Tần suất lấy mẫu nước 01 lần/tháng vào các tháng 6, 7, 11.

Phân tích kết quả nhóm 16 thông số quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản: Nhiệt độ nước, Độ trong, DO (Oxy hòa tan), pH, N-NH4+, N-NO2-, N-NO3-, P-PO43-, H2S, COD (Oxy hóa học), TSS (Tổng chất rắn lơ lửng), Mật độ và thành phần tảo độc, Aeromonas tổng số, Streptococcus sp, Coliform, Thực vật phù du. Tần suất lấy mẫu nước 08 lần/08 ngày/tháng vào tháng 6; 02 lần/02 ngày/tháng vào các tháng 7, 11; 03 lần/03 ngày/tháng vào các tháng 8, 9, 10.

Phân tích kết quả nhóm 12 thông số quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản: Nhiệt độ nước, Độ trong, DO (Oxy hòa tan), pH, N-NH4+, N-NO2-, N-NO3-, P-PO43-, H2S, COD (Oxy hóa học), TSS (Tổng chất rắn lơ lửng), Mật độ và thành phần tảo độc. Tần suất lấy mẫu nước 04 lần/04 ngày/tháng vào tháng 7; 02 lần/02 ngày/tháng vào các tháng 8, 9, 10, 11.

Đánh giá chất lượng nước, đưa ra cảnh báo kịp thời cho người nuôi

Hiện tại, đơn vị quan trắc môi trường đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh triển khai lấy mẫu nước tại hồ thủy điện Ia Ly, Hà Tây trong các tháng 6, 7, 8. Kết quả bước đầu cho thấy chất lượng nước tại hai điểm này phù hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trong các tháng tiếp theo, đơn vị quan trắc tiếp tục lấy mẫu nước tại huyện Chư Păh để đánh giá chất lượng nước và đưa ra cảnh báo kịp thời cho người nuôi.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ hệ thống hóa (trên nền dữ liệu số, công nghệ số) làm cơ sở dữ liệu môi trường, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia...

Nhìn chung, tỉnh Gia Lai đã và đang thích ứng kịp thời trong bối cảnh ngành Nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng thực hiện tái cơ cấu (theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững). Đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất. Cùng với đó, kết quả quan trắc môi trường cũng là minh chứng thông tin phục vụ các đoàn thanh tra truy xuất nguồn gốc, đánh giá chứng nhận và định hướng kế hoạch phát triển, thu hút đầu tư trong lĩnh vực thủy sản.

Chuyển tải thông tin nhanh nhất tới các cơ quan quản lý, người nuôi

Theo kế hoạch, tỉnh Gia Lai sẽ chủ động quan trắc, đánh giá, cảnh báo, giám sát sự biến động chất lượng nước nuôi trồng thủy sản kịp thời phát hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường. Tạo cơ sở để cơ quan quản lý các cấp xây dựng khung lịch thời vụ nuôi, cơ cấu, đối tượng nuôi thủy sản phù hợp.

Đặc biệt, trong năm tới, tỉnh Gia Lai sẽ phấn đấu để tất cả kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được chuyển tải nhanh nhất đến các cơ quan quản lý, người nuôi và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về điểm quan trắc, giám sát: Tỉnh sẽ lựa chọn những hồ có diện tích mặt nước lớn, nuôi trồng thủy sản theo hình thức lồng bè phát triển. Tổng 02 điểm, gồm 01 điểm tại hồ thủy điện An Khê - Ka Nak thuộc thị xã An Khê và 01 điểm tại hồ C thủy điện Vĩnh Sơn thuộc huyện Kbang. Thời gian quan trắc, giám sát dự kiến trong tháng 3 đến tháng 11 năm 2023.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan triển khai công tác quan trắc môi trường, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện của đơn vị quan trắc môi trường.

Đơn vị quan trắc môi trường: phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thủy sản để thu thập các thông tin nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh động vật thủy sản và kết quả quan trắc môi trường từ các bộ phận khác để đánh giá, tổng hợp, khuyến cáo và bổ sung kết quả quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản. Khi phát hiện môi trường có diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản, phải báo cáo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để ra quyết định cảnh báo và ứng phó kịp thời.

Triển khai hiệu quả kế hoạch 2023

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Chủ trì, phối hợp với đơn vị quan trắc môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản; thông báo kết quả quan trắc theo đợt, ngày và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thông tin, chia sẻ, tuyên truyền kết quả quan trắc môi trường năm 2023 gửi Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tại địa điểm quan trắc và các đơn vị liên quan. Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi trồng thủy sản tại các khu vực được quan trắc và trên toàn địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó và tổ chức thực hiện các hoạt động thủy sản đạt hiệu quả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan liên quan và đơn vị quan trắc môi trường triển khai, thực hiện các nội dung kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tiến hành cảnh báo và giám sát môi trường các khu vực thực hiện quan trắc, thông báo cho người dân trên địa bàn chủ động ứng phó, làm cơ sở để triển khai các biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, hướng dẫn chủ cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động theo dõi, giám sát môi trường tại khu vực nuôi trồng thủy sản; ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép (theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc); cung cấp thông tin, số liệu về quan trắc môi trường, phòng bệnh động vật thủy sản nuôi (khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động quan trắc môi trường kịp thời, hiệu quả. Xác định vị trí, địa điểm xảy ra sự cố môi trường thủy sản, thủy sản chết, dịch bệnh thủy sản, báo cáo kịp thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các cơ sở nuôi trồng thủy sản phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước thủy sản trong quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Kịp thời thông báo các diễn biến bất thường của môi trường nuôi trồng thủy sản và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước thủy sản tại địa bàn. Ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép (theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc).

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác