Bình Định: Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 – 2030 (21-09-2022)

Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững, vừa qua, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 – 2030 (kèm theo Quyết định số 2538/QĐ-UBND).
Bình Định: Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2022 – 2030
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan ra diện rộng.

Khống chế diện tích nuôi bị bệnh nguy hiểm: Trên tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích nuôi bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các đối tượng nuôi lồng bè (tôm hùm, cá biển,…) bảo đảm số lồng bè bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng bè tại diện tích nuôi; nuôi cá lồng bè trên hồ chứa thủy lợi, khống chế số lồng nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng số lồng nuôi; nuôi cá trong ao hồ nhỏ, khống chế diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi; nuôi ngao/nghêu, tu hài, hàu, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi.

Đồng thời, xây dựng biện pháp kiểm soát đối với các bệnh nguy hiểm thường xuyên xuất hiện và bệnh mới xuất hiện trên thủy sản nuôi; theo dõi, dự tính, dự báo, thông tin chính xác dịch bệnh để kịp thời phát hiện nhanh, bao vây, xử lý dịch triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng tại các vùng NTTS tập trung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào các vùng nuôi trong tỉnh; xây dựng các cơ sở An toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT để đảm bảo cung cấp con giống sạch bệnh trong tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Để quyết tâm thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Định đã đưa ra một số nội dung và giải pháp cụ thể:

Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành: Áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh; giám sát tại các vùng nuôi và cơ sở NTTS; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh nhằm cung cấp dữ liệu lưu hành một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản của bản đồ dịch tễ cấp quốc gia.

Kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm: Kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản nhập tỉnh; hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường

Thanh tra, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS và kiểm tra chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường NTTS trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản: Con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi theo quy định hiện hành. Xử phạt nghiêm các trường hợp xả thải mầm bệnh động vật thủy sản ra môi trường khi chưa qua xử lý theo quy định hiện hành.

Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản: Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm bệnh thủy sản của tỉnh và thực hiện các quy định về chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; duy trì chứng chỉ đã được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 hàng năm.

Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán và giám sát chủ động các bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản; đào tạo, tập huấn chuyên môn về dịch tễ, kỹ thuật xét nghiệm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam.

Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Dựa trên quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; xây dựng kế hoạch quan trắc định kỳ tại các vùng nuôi trọng tâm của tỉnh. Tăng cường công tác quan trắc, phân tích chất lượng nước, cảnh báo môi trường vùng NTTS theo quy định, đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung đối tượng nuôi chủ lực quốc gia, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế,... để cảnh báo, khuyến cáo người nuôi có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Đánh giá hiện trạng, bổ sung các điểm quan trắc môi trường của địa phương; xây dựng hệ thống quan trắc tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao; tiếp tục quan trắc, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là những vùng nuôi tôm tập trung,..

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, địa phương triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh và các quy định hiện hành của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện,..

          Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Lập kế hoạch, kinh phí phòng chống dịch bệnh thủy sản hàng năm, chủ động tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản để cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn, tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả. Thực hiện kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản, kiểm soát vận chuyển theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống thủy sản bố mẹ nhập tỉnh tại các trại giống để sinh sản.

Chi cục Thủy sản: tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng NTTS tập trung trong tỉnh.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác