Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030 (02-10-2021)

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, đảm bảo phát triển chăn nuôi thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, vừa qua Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 (tại Quyết định số 1491/QĐ-UBND).
Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030
Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra một số nội dung và giải pháp chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, gồm:

Phòng bệnh và khống chế hiệu quả một số dịch bệnh đang lưu hành: tập trung và huy động nguồn lực để chủ động phòng bệnh, giám sát, phát hiện kịp thời và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản được ưu tiên kiểm soát; áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y và định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh, động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi,…

Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản theo quy định của pháp luật; động vật thủy sản sử dụng làm giống cần phải có nguồn gốc rõ ràng khi lưu thông từ tỉnh ngoài vào trong tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm; đối với hộ nuôi trồng thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) triển khai thực hiện: tẩy dọn ao trước khi ương nuôi động vật thuỷ sản bao gồm tháo cạn, nạo vét bùn dưới đáy ao, tu sửa lại bờ, dọn sạch cỏ rác, phơi khô đáy ao, sau đó dùng các loại hoá chất để khử trùng ao; mua con giống tại các cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; thường xuyên khử trùng địa điểm cho ăn, vớt bỏ thức ăn thừa, khử trùng nơi cá đến ăn và thực hiện công tác phòng chống nóng, rét, mưa lũ cho động vật thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Giám sát dịch bệnh: UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường theo dõi, giám sát diện tích NTTS trên địa bàn, hướng dẫn các hộ nuôi mua bán con giống phải rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn dịch bệnh; khi phát hiện có thủy sản chết hàng loạt, bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng.

Đối tượng giám sát trên cá chép, trắm, trôi, mè: bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép, bệnh do Koi Herpes virus, bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus; cá hồi: bệnh hoại tử cơ quan tạo máu; cá rô phi, cá diêu hồng: bệnh do Tilapia Lake virus và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus; một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo cảnh báo của Tổ chức Thú y Thế giới, Hội đồng quản lý mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Công bố dịch bệnh động vật thủy sản: phải công bố dịch bệnh động vật thủy sản như xuất huyết mùa xuân ở cá chép và bệnh do KHV; chủ cơ sở nuôi khi phát hiện thủy sản mắc bệnh, chết nhiều hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, bất thường phải báo cáo nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và UBND cấp xã hoặc cơ quan chuyên môn cấp huyện, thành phố.

Mặt khác, tổ chức phòng chống dịch bệnh thủy sản trong vùng có dịch: Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề xuất các biện pháp xử lý ổ dịch, tham mưu chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục hoạt động NTTS trên địa bàn; thực hiện giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản xuất phát từ vùng công bố dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định.

Quan trắc môi trường: quan trắc, cảnh báo môi trường nước NTTS, đặc biệt ưu tiên địa phương có hộ nuôi thủy sản theo hướng bán thâm canh trở lên và có các loài thủy sản giá trị kinh tế cao để cảnh báo, hướng dẫn người nuôi chủ động ứng phó với các điều kiện bất lợi của môi trường.

Điểm quan trắc tại 05 ao và 02 lồng nuôi thủy sản đại diện (lồng nuôi áp dụng với các địa phương có diện tích nuôi thủy sản lồng bè). Thời gian quan trắc từ tháng 04 đến tháng 11 hàng năm.

Ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin: chuyển giao khoa học kỹ thuật trong NTTS theo hướng an toàn sinh học, đạt năng suất cao, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản bao gồm: báo cáo, chia sẻ số liệu, dự báo cảnh báo dịch bệnh, quản lý NTTS.

Công tác thông tin, tuyên truyền: xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp với từng đối tượng thủy sản nuôi tại địa phương; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn kiến thức cung cấp cho người nuôi hiểu biết về bệnh thủy sản, đặc biệt đối với những bệnh phải công bố dịch như xuất huyết mùa Xuân ở cá chép, bệnh do Koi Herpes virus; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường NTTS, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, triển khai Phương án phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản cấp tỉnh; tổ chức lấy mẫu giám sát theo hướng dẫn của Cục Thú y; quan trắc môi trường cảnh báo sớm dịch bệnh; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh trên thủy sản. Bên cạnh đó, giao UBND các huyện, thành phố phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh thủy sản; tuyên truyền đến các hộ NTTS chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh,..  Người NTTS tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và yêu cầu của UBND các cấp; thông báo kịp thời khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu bệnh, nghi có bệnh, chết bất thường hàng loạt; không dấu dịch và không vứt xác thủy sản chết ra môi trường; sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành tại Việt Nam,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác