Tây Ninh phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030 (24-09-2021)

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của Kế hoạch là chủ động phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh.
Tây Ninh phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030
Ảnh minh họa

Cụ thể là phòng, khống chế một số bệnh nguy hiểm trên cá tra nuôi như bệnh gan thận mủ, bệnh xuất huyết; cá chép, trắm, trôi, mè: bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép, bệnh Koi Herpes virus, bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococus; cá rô phi, cá điêu hồng: bệnh do TiLV và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus và một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo cảnh báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Hội đồng quản lý mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (NACA).

Chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi, không để mầm bệnh lây lan rộng và nâng cao nhận thức của Nhân dân, chủ cơ sở nuôi về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản; trách nhiệm của người nuôi trồng, các cấp chính quyền trong phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ Tỉnh đến cơ sở, phát hiện sớm, chính xác và kịp thời tình hình dịch bệnh; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và phổ biến, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp các quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của tổ chức OIE và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng tới xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm trên cá tra nuôi và một số bệnh theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã đưa ra một số nội dung và giải pháp chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, gồm:

Thứ nhất, phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành. Tập trung và huy động nguồn lực để chủ động phòng bệnh, giám sát, phát hiện kịp thời và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản được ưu tiên kiểm soát; áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y và định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh, động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi,…

Ngoài ra, tổ chức triển khai giám sát bị động và giám sát chủ động tại các vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản và thực hiện nghiêm kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo quy định.

Thứ hai, đảm bảo an toàn dịch bệnh cần thường xuyên phổ biến, tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp các quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của tổ chức OIE và của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng tới xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm trên cá tra nuôi và một số bệnh theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định; đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế,.. để cảnh báo, chủ động ứng phó với các điều kiện môi trường bất lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.

Thứ tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản (báo cáo, chia sẻ, phân tích số liệu, dự báo, cảnh báo dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ).

Thứ 5, thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức các quy định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh thủy sản của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và của Tỉnh; các kỹ thuật kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản đến tất cả các vùng, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tỉnh.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản, các biệm pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh; tuyên truyền trên Đài Phát thanh và truyền hình Tỉnh, Đài Phát thanh cấp huyện, xã, tuyên truyền trực tiếp kết hợp với giám sát dịch bệnh,..

Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện điều tra ổ dịch phát sinh; tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, phổ biến kiến thức và áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho các cơ sở nuôi thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Sở Thông tin và Truyền thông: tổ chức triển khai công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản giai đoạn 2021-2030. Da dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường vùng nuôi cũng như tính chất nguy hiểm của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản,..

UBND các huyện, thị xã, thành phố: chỉ đạo UBND cấp xã, các chủ cơ sở nuôi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi; rà soát các hộ nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là những hộ sản xuất, ương nuôi thủy sản giống trên địa bàn quản lý; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản ra vào địa phương và khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

Phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát số lượng con giống đưa về địa phương; kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại địa bàn xã, phường thị trấn.

Ngoài ra, giao các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh; các Sở, Ban, ngành có liên quan, hộ, cơ sở, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch để để đạt được các mục tiêu trên.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác