08 nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi (02-04-2021)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030”, trong đó đã nêu 08 nhóm giải pháp cụ thể để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.
08 nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi
Ảnh minh họa

(1) Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành: Tập trung, huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản được ưu tiên kiểm soát. Áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh: Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi/ xử lý nước thải, chất thải/ mùa vụ thả giống/ chất lượng con giống; áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP...); áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi... Xem xét, sử dụng vắc xin (để chủ động phòng bệnh cho động vật thủy sản, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản).

Giám sát bị động tại các vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản: Thường xuyên kiểm tra cơ sở nuôi thủy sản; trường hợp phát hiện động vật thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi mắc bệnh, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và các thông số quan trắc môi trường. Đồng thời, tổ chức điều tra dịch tễ và hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp xử lý tổng hợp (không để dịch bệnh lây lan rộng).

Bên cạnh đó, giám sát chủ động tại các cơ sở, vùng sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm; xây dựng và thực hiện kế hoạch lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Tổ chức điều tra dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp xử lý (nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh trong trường hợp mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh nguy hiểm). Tổ chức giám sát chủ động, xây dựng quy trình xét nghiệm, nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, các biện pháp ứng phó, xử lý nhằm ngăn chặn tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào trong nước.

Xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và bản đồ dịch tễ lưu hành một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản. Rà soát, đầu tư nâng cấp và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản. Tổ chức xây dựng bản đồ dịch tễ và đề xuất, hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh. Tiến hành kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật thủy sản, cụ thể là: Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật thủy sản theo quy định của pháp luật.

Đối với thủy sản sử dụng làm giống lưu thông trong tỉnh: cần có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm âm tính với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Vì vậy, tổ chức giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản sử dụng làm giống. Đặc biệt, kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản lưu hành trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam.

(2) Kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam: Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch nhập khẩu động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản (theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm các bệnh mới nổi trên động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu (theo cảnh báo của OIE và Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản châu Á Thái Bình Dương - NACA). Tổ chức giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản sử dụng làm giống sau nhập khẩu và nuôi tại các vùng nuôi.

Tổ chức lấy mẫu định kỳ, xét nghiệm một số tác nhân gây bệnh trên tôm. Trong trường hợp phát hiện tác nhân gây bệnh nguy hiểm, tổ chức điều tra dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp xử lý triệt để. Đối với công tác giám sát bị động: Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm động vật thủy sản nhập khẩu đưa về khu cách ly hoặc hết thời gian cách ly nhưng có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, bị chết nhiều, chết bất thường; tổ chức điều tra dịch tễ, xác định rõ nguyên nhân và hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản qua biên giới.

(3) Xây dựng một số vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; trong đó có quy định về lộ trình các cơ sở sản xuất, cung ứng động vật thủy sản sử dụng làm giống phải đạt an toàn dịch bệnh. Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp các quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của OIE và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức giám sát chủ động, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên tôm nuôi/ cá tra nuôi, và một số bệnh theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tổ chức ghi chép, lưu trữ thông tin, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia/ Cơ sở dữ liệu của địa phương và doanh nghiệp về dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, các tài liệu liên quan (để được công nhận an toàn dịch bệnh).

(4) Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản: Xây dựng, ban hành quy định an toàn sinh học đối với phòng thử nghiệm xét nghiệm bệnh thủy sản; quy định về quản lý, phân cấp phòng thử nghiệm liên quan đến việc chẩn đoán, xét nghiệm, nghiên cứu về bệnh thủy sản. Tổ chức kiểm tra, thanh tra các phòng thử nghiệm xét nghiệm bệnh thủy sản trong việc thực hiện các quy định về chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; tổ chức chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng đối với một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi. Quy định về thử nghiệm liên phòng trong nước và quốc tế; quy định việc đánh giá chất lượng, đăng ký lưu hành các kít xét nghiệm, vắc xin.

Đặc biệt, quy định về chẩn đoán, xét nghiệm, báo cáo và chia sẻ kết quả xét nghiệm, tình hình, diễn biến dịch bệnh nguy hiểm có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng thử nghiệm, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chẩn đoán và giám sát chủ động các bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản; đào tạo, tập huấn chuyên môn về dịch tễ, kỹ thuật xét nghiệm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam và yêu cầu của quốc tế. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật, xây dựng mới các quy trình xét nghiệm bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản.

(5) Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc, cảnh báo môi trường. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản (đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung đối tượng nuôi chủ lực quốc gia, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế) để cảnh báo, chủ động ứng phó với các điều kiện môi trường bất lợi, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Rà soát, đánh giá hiện trạng, bổ sung các điểm quan trắc môi trường từ trung ương đến địa phương; Ưu tiên hệ thống quan trắc tự động tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, vùng nuôi biển, vùng nuôi lồng trên sông lớn. Rà soát, đánh giá hiện trạng, bổ sung trang thiết bị, máy móc, nguồn lực cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường. Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật về quan trắc môi trường.

(6) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nghiên cứu, sản xuất vắc xin, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm dùng trong chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm: báo cáo, chia sẻ, phân tích số liệu dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ.

(7) Thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức: Xây dựng chiến lược truyền thông nguy cơ; Tổ chức tập huấn về truyền thông nguy cơ. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh. Chia sẻ kết quả giám sát bị động, giám sát chủ động, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh với các hiệp hội/ doanh nghiệp/ tổ chức/ cá nhân có nhu cầu để hỗ trợ xác định thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

(8) Hợp tác quốc tế về công tác thú y thủy sản: Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch bệnh thủy sản, nghiên cứu khoa học về dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Hợp tác trong kiểm dịch xuất, nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thủy sản; đàm phán, thống nhất các yêu cầu về thú y (để hỗ trợ xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang các nước).

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác