Hội nghị Phòng chống Dịch bệnh động vật các tỉnh phía Bắc (15-02-2019)

Ngày 15/2, Hội nghị Triển khai Công tác Phòng chống Dịch bệnh động vật trên cạn các tỉnh phía Bắc đã được tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Phòng chống Dịch bệnh động vật các tỉnh phía Bắc

Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 14/2, cúm gia cầm đang xảy ra tại hai hộ chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Tổng số gia cầm buộc tiêu hủy là hơn 8,8 nghìn con. Sau khi kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút Cúm A/H5N1, chính quyền và cơ quan chuyên môn của các địa phương đã xử lý, tiêu hủy toàn bộ đàn gà mắc bệnh và thực hiện khử trùng tiêu độc.

Về dịch lở mồm long móng, tổng số gia súc mắc bệnh hiện hơn 750 con, trong đó 679 con đã được tiêu hủy. Số lợn mắc bệnh chủ yếu ở các tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị, Kon Tum...

Theo Cục Thú y, Chính phủ đã chỉ đạo cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Giám sát chặt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở... và tuyên truyền đến cộng đồng dân cư, để người dân không tham gia các hoạt động nhập lậu gia súc, gia cầm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển chăn nuôi của Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Nguy cơ các loại mầm bệnh nguy hiểm như vi rút cúm H5N1, H5N6, H7N9 và vi rút Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao vì nhiều lý do như: Buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc; tần suất vận chuyển động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; Thời gian qua, trên thế giới Cúm gia cầm đã xuất hiện tại 31 nước, Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 20 nước, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao; Tại Việt Nam, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi là khá phổ biến, nên nếu chủ chăn nuôi sử dụng các sản phẩm thịt lợn dư thừa sẽ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh; Thời tiết biến đổi bất lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để chủ động tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm thiệt hại kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tập trung tối đa các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh theo quy định; Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở; Chỉ đạo chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật; duy trì và tăng cường hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y để bảo đảm các yêu cầu tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác