Áp dụng kỹ thuật nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao hạn chế dịch bệnh xảy ra (24-12-2018)

Hiện nay, cá nheo Mỹ được nuôi phổ biến tại một số tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh…. Chúng có thể phát triển tốt với điều kiện tự nhiên của Việt Nam, đặc biệt, chống chịu tốt với khí hậu lạnh vào mùa đông ở miền Bắc, hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với nuôi các giống cá truyền thống. Nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao hiện đang là mô hình mang lại hiệu quả cho người nuôi. Tuy nhiên, người nuôi cần nắm được yêu cầu kỹ thuật trong quá trình nuôi để đối tượng nuôi ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống cao.
Áp dụng kỹ thuật nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao hạn chế dịch bệnh xảy ra
Ảnh minh họa

Chuẩn bị ao nuôi, cung ứng con giống và chăm sóc cho cá nheo

Ao nuôi xây dựng phải đảm bảo các điều kiện như chủ động nguồn nước cấp, không ô nhiễm; diện tích 1.000 - 3. 000 m2 là phù hợp vì sẽ thuận lợi cho ăn và chăm sóc; Xử lý ao trước khi thả: Tiến hành tát cạn, vét bùn, chỉ nên để lớp bùn dày 15 - 20 cm. Phát quang bờ, bụi tạo mặt thoáng cho ao. Bờ bao đảm bảo chắc chắn, kiểm tra và lấp các chỗ rò rỉ. Sau đó, tạt vôi bột liều lượng 7 - 10 kg/100 m2 để diệt tạp, đồng thời giảm những chất độc tồn tại trong đáy ao. Nếu có điều kiện nên phơi khô đáy ao trong 3 - 5 ngày để thoát hết khí độc. Kết hợp sau khi tẩy vôi 3 ngày, bón phân hữu cơ với lượng 20 - 30 kg kết hợp với 50 kg lá xanh cho 100 m2(sử dụng loại lá cây thân mềm để làm phân xanh), rải đều khắp mặt ao. Lá xanh được băm nhỏ rải đều ở đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 - 7 kg dìm ở góc ao.

Bắt đầu lấy nước vào ao ở mức 0,3 - 0,4 m, sau đó ngâm 5 - 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1,5 - 2 m. Nước trước khi được bơm vào ao cần phải được lọc kỹ bằng lưới lọc có kích thước mắt lưới nhỏ đề phòng cá dữ, cá tạp xâm nhập vào ao nuôi.

Con giống cần lựa chọn khỏe mạnh, có chất lượng, không dị tật, dị hình, không bị xây xát. Cỡ cá giống thả chiều dài 10 - 12 cm/con, trọng lượng 25 - 30 g/con; mật độ thả khoảng 1 - 1,5 con/m2. Vận chuyển và thả cá giống vào lúc trời mát, có thể là sáng sớm hoặc chiều tối. Nếu khoảng cách gần, có thể vận chuyển đến nơi thả giống bằng thùng, xô, chậu… Trường hợp vận chuyển xa, phải sử dụng túi nilon có bơm ôxy. Trước khi thả, ngâm túi nilon đựng cá vào trong nước ao nuôi khoảng 15 - 20 phút để cân bằng nhiệt độ trong túi nilon với nhiệt độ môi trường nuôi. Sau đó, mở một đầu túi, cho nước chảy từ từ vào, để cá bơi tự nhiên ra, khi cá ra khoảng 2/3, mới dốc túi cho cá ra hết. Làm như vậy sẽ giúp cho cá không bị sốc.

Chăm sóc: Cá nheo Mỹ ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, giun… Ngoài ra, nếu sử dụng thức ăn công nghiệp cần đảm bảo hàm lượng đạm khoảng 28 - 30%, có như vậy cá mới phát triển bình thường. Khi cho ăn, người nuôi cần áp dụng kỹ thuật cho ăn 4 định: số lượng, chất lượng, thời gian và địa điểm. Đặc biệt, khẩu phần ăn thay đổi theo các giai đoạn phát triển của cá, cụ thể: Cá có trọng lượng < 100 g: cho ăn 3 - 5% trọng lượng cá; cá 100 - 300 g: cho ăn 2 - 3% trọng lượng cá và cỡ cá > 300 g: cho ăn 1,5% trọng lượng cá.

Thời gian cho cá ăn 2 lần/ngày: Buổi sáng vào 6 - 8h, buổi chiều 16 - 18h. Vào những ngày thời tiết thay đổi cần giảm lượng thức ăn; đặc biệt khi cá có hiện tượng nổi đầu không nên cho ăn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra ao cá nuôi, tốt nhất là vào mỗi buổi sáng và buổi chiều để biết hoạt động bất thường của cá.

Vào những thời điểm thời tiết diễn biến thất thường, âm u hay mưa lớn hoặc hành động đánh bắt đều có thể làm cá dễ bị stress khiến cá bỏ ăn, nếu nặng có thể phát sinh bệnh và chết. Do đó, cần theo dõi chất lượng nước chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của cá. Các quá trình đánh bắt, kéo lưới cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thao tác nhanh gọn.

Công tác phòng và trị bệnh

Trong quá trình nuôi, để ổn định môi trường nước, cần bổ sung định kỳ 1 - 2 kg CaO/100 m3/tuần, khi trời mưa nên dùng 2 kg/100 m3. Ngoài ra, có thể treo túi vôi tại các điểm cho cá ăn với lượng 2 - 4 kg/túi. Trước khi thả giống, cá cần được kiểm tra ký sinh trùng. Tắm khử trùng cho cá trong nước muối 2 - 3 kg/100 lít nước, thời gian 5 - 10 phút. Định kỳ dùng chế phẩm sinh học như EMC, BIODW, BIOBAC… để cải thiện môi trường nước ao nuôi; bổ sung Vitamin C với lượng khoảng  200 - 300 g/100 kg thức ăn, cho cá ăn định kỳ để tăng sức đề kháng. Thay nước cho ao: Ở những nơi có nguồn nước thuận lợi, người nuôi có thể thường xuyên thay và cấp thêm nước mới cho ao. Mỗi lần thay với lượng 20 - 30% nước trong ao.

Trị bệnh: Bệnh nhầy da, xảy ra ở cá bột, khi nhiễm bệnh cá bơi thẳng đứng trên mặt nước, vây bị ăn mòn; da có đám chất nhầy. Tác nhân gây bệnh là so một số loài ký sinh trùng gây nên. Để điều trị bệnh, sử dụng Sunphat đồng (CuSO4) với lượng 0,3 g/m3 tắm trong 2 - 3 ngày hoặc Fomalin với lượng 25 g/m3 tắm trong 2 ngày. Bệnh trùng quả dưa, khi cá bị bệnh, gốc vây ngực có chấm nhỏ như hạt tấm màu trắng, các chất này vỡ ra vào trong nước, tạo nên các vết loét ở chỗ vỡ. Điều trị bằng cách tắm Vernalachite hay Greenmetil với liều lượng 0,1 g/m3 trong 3 - 4 ngày.

Bệnh trùng bánh xe: Trùng bánh xe phân bố rộng, gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá hương cá giống (tỷ lệ nhiễm bệnh cao, khoảng 80 - 100%). Để điều trị bệnh, dùng CuSO4 tắm cho cá ở nồng độ 2 - 5 ppm (2 - 5 g/m3 nước) trong thời gian 10 - 15 phút, cứ 2 ngày tắm 1 lần, thực hiện trong vòng 1 tuần. Hoặc cũng có thể phun trực tiếp xuống ao với liều lượng 0,5 - 0,7 g/m3 nước. Bệnh xuất huyết: Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiellatarda gây ra. Cá bệnh có dấu hiệu toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu, mắt cá sưng và lồi ra. Trị bệnh dùng thuốc Azithromycinm với nồng độ 30 µg/kg cá.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác