Công tác giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu năm 2017 (27-04-2018)

Đây là chương trình được triển khai hàng năm, thuộc “Kế hoạch Quốc gia về giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu, giai đoạn 2017 - 2020”, đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại quyết định số 1038/QĐ-BNN-TY ngày 29/3/2017.
Công tác giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu năm 2017
Giám sát dịch bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống (Nguồn: Anh Vũ)

Kết quả giám sát dịch bệnh trên tôm năm 2017 đã cho thấy: tất cả 357 ao của 06 cơ sở nuôi tôm thương phẩm được giám sát không có bất kỳ mẫu tôm nào dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), nhưng tỷ lệ và số mẫu bùn, nước dương tính với bệnh này còn rất cao. Điều này cho thấy mầm bệnh AHPND xâm nhập từ bên ngoài vào các ao nuôi hoặc ngay tại các ao nuôi chưa được xử lý triệt để. Chỉ có duy nhất 01 mẫu tôm thẻ nuôi ở 01 ao dương tính với bệnh đốm trắng (WSD), có thể thấy rằng tỷ lệ lưu hành bệnh này tại các cơ sở được giám sát là rất thấp. Bên cạnh đó không phát hiện mẫu nào dương tính với virus gây bệnh đầu vàng (YHV) cũng như bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV).

Đối với cá tra nuôi thương phẩm, phân tích số liệu cho thấy các cơ sở tham gia chương trình giám sát là chưa an toàn với bệnh xuất huyết do vi khuẩn và bệnh gan thận mủ với tỷ lệ lưu hành biểu kiến 10%, độ tin cậy 95%, độ nhạy phép thử là 100% trong thời gian giám sát từ tháng 8 đến tháng 12/2017, nghĩa là tỷ lệ lưu hành thực tế cao hơn 10%. Do vậy, để đạt được cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc giảm tỷ lệ lưu hành bệnh, các doanh nghiệp tham gia chương trình cần phải xây dựng chương trình an toàn sinh học tốt hơn, đặc biệt trong việc quản lý chất lượng nước cấp cho ao nuôi.

Bên cạnh đó, kết quả sau 13 lần thử kháng sinh đồ cho thấy chỉ có 03 loại kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh xuất huyết và vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ là erythromycine, florfenicol và oxytetracycline, 04/07 loại kháng sinh còn lại (doxycycline, sulfadiazine, sulfamethoxazole và trimethoprim) hoàn toàn không có tác dụng điều trị với cả hai bệnh trên ở cá tra.

Theo kế hoạch trong năm 2018 của Cục Thú y, tham gia giám sát dịch bệnh trên tôm dự kiến gồm 10 doanh nghiệp có chuỗi sản xuất tôm thương phẩm tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và 07 doanh nghiệp sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận, Bình Thuận và Bạc Liêu. Các bệnh được giám sát là : (1) bệnh đốm trắng do virus (White spot disease - WSD), (2) bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute hepatopancreatic necrosis disease - AHPND), (3) bệnh hoại tử cơ tạo máu và cơ quan biểu mô (Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis disease - IHHN) và (4) bệnh đầu vàng (Yellow head disease - YHD) đối với tôm thương phẩm hoặc bệnh vi bào tử trùng (Enterocytozoon hepatopenaei - EHP) đối với tôm giống.

Trên cá tra nuôi, kế hoạch giám sát dịch bệnh năm 2018 dự kiến lựa chọn 04 doanh nghiệp nuôi cá tra tại Bến Tre và Đồng Tháp. Các bệnh được giám sát là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromanas hydrophila.

Anh Chi

Ý kiến bạn đọc

Tin khác