Hòa Bình: Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (24-01-2018)

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Quyết định số 02/KH-UBND về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Hòa Bình: Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
Ảnh minh họa

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong việc bảo vệ nguồn lợi và công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, giám sát dịch bệnh, quan trắc và xử lý môi trường, phân tích biến động về ô nhiễm môi trường để dự báo và cảnh báo những ảnh hưởng của bệnh xảy ra đối với các vùng nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh. Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế tối đa thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

Kế hoạch bao gồm các nội dung chính sau: Chủ động giám sát dịch bệnh động vật thủy sản chủ yếu với thủy sản nuôi như cá Lăng, cá Rô phi đơn tính, cá Riêu hồng, cá Chép, cá Trắm cỏ...tại các cơ sở sản xuất, khu ương nuôi giống, khu nuôi tập trung, các khu vực nuôi cá lồng, bè (2 lần/năm); Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên cá: Bệnh do vi rút; bệnh do vi khuẩn; Kiểm tra các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa trong môi trường ao nuôi phục vụ công tác cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản và cảnh báo dịch bệnh thủy sản tại các điểm sản xuất và ương nuôi cá giống; các khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại vùng Thượng lưu và Hạ lưu Sông Đà (thực hiện 2 lần/năm). Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra, giám sát khi có thông tin dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm xác định, bệnh hỗ trợ công tác chẩn đoán, báo cáo diễn biến dịch bệnh và hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây khống chế kịp thời; huy động hóa chất, vật tư khử trùng triệt để các khu vực xảy ra dịch bệnh.

Điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch; dự trù vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi khi công bố dịch và cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch; Dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu. Bên cạnh đó, kiểm dịch giống; kiểm tra vệ sinh thú y; kiểm tra việc quản lý, kinh doanh, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường thuốc thú y, vắc xin, hóa chất tại địa phương. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản, nhân viên thú y xã, công chức, viên chức về kỹ thuật, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác