Trà Vinh đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh thủy sản (09-03-2017)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 292/QĐ-TTg về việc xuất cấp hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia cho tỉnh Trà Vinh.
Trà Vinh đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT xuất cấp (không thu tiền) 90 tấn hóa chất Chlorine 65% min từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Trà Vinh để phòng, chống dịch bệnh thủy sản. UBND tỉnh Trà Vinh tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên theo quy định hiện hành.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, năm 2016 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản là 103.398 tấn, đạt 102% kế hoạch (trong đó, tôm sú 12.736 tấn, tôm thẻ chân trắng 23.775 tấn, cua biển 7.123 tấn, cá lóc 30.060 tấn, cá tra 10.155 tấn,...). Năm 2017, tỉnh Trà Vinh đặt một số chỉ tiêu về phát triển thủy sản như sau: Tôm sú: diện tích 18.000 ha, con giống 1,9 tỷ con, sản lượng 11.700 tấn; Tôm thẻ chân trắng: diện tích 6.000 ha, con giống 03 tỷ con, sản lượng 27.000 tấn; Cua biển: diện tích 14.500 ha, con giống 120 triệu con, sản lượng 8.000 tấn; Cá tra: diện tích 70 ha, con giống 28 triệu con, sản lượng 10.000 tấn; Cá lóc: diện tích 300 ha, con giống 135 triệu con, sản lượng 26.500 tấn; Nghêu, sò huyết và thủy sản khác: diện tích 1.500 ha, sản lượng 2.200 tấn; Tôm càng xanh: diện tích 1.500 ha, con giống 50 triệu con, sản lượng 700 tấn; Cá các loại: diện tích 1.500ha, sản lượng 18.000 tấn. Tuy nhiên, trong tháng 1/2017, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt mưa trái mùa và không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam khiến dịch bệnh trên tôm nuôi tăng đột biến và có khả năng phát sinh thành dịch. Đến nay, diện tích tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là hơn 262 ha tôm sú và 200 ha tôm thẻ chân trắng. Đa phần tôm chết ở giai đoạn 15 - 45 ngày tuổi, chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, giảm rủi ro trong quá trình nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo các hộ nuôi tôm ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành cần xem xét thời tiết và môi trường thuận lợi để thả giống. Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện quản lý chặt chẽ các khu nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch, tránh làm lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn vùng nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh sẽ thực hiện tốt việc quan trắc, cảnh báo môi trường và thu mẫu giáp xác tại các cửa sông đầu nguồn vùng nuôi tôm trọng điểm phân tích các chỉ tiêu thủy lý, hóa, sinh và mầm bệnh trong môi trường nước. Phân công cán bộ hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại các địa bàn, viên chức xã triển khai công tác nắm tình hình, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh cũng như đẩy mạnh công tác tư vấn trực tiếp, hướng dẫn các hộ dân quy trình nuôi năm 2016 – 2017.

Ngọc Hà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác