Các địa phương đang tập trung ngăn chặn lây lan dịch cúm gia cầm (07-03-2017)

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, các địa phương và lực lượng chức năng đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu, chủ động giám sát, vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống cúm gia cầm và các chủng vi rút lây lan sang người. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh biên giới phía Bắc để lấy mẫu đối với những người tiếp xúc với gia cầm, lấy mẫu môi trường để xét nghiệm.
Các địa phương đang tập trung ngăn chặn lây lan dịch cúm gia cầm

Về phía Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai thí điểm kiểm tra nhanh virus cúm gia cầm ở Lạng Sơn và chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội). Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn gia cầm nhập lậu, không để ảnh hưởng đến đàn gia cầm trong nước và bảo vệ sức khỏe con người.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công điện số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17/2/2017 về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam. Nội dung Công điện yêu cầu các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý gia cầm không rõ nguồn gốc tại các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, buôn bán gia cầm nhỏ lẻ, các chợ đầu mối, nhất là tại các khu vực biên giới, cửa khẩu.  Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm không thực hiện quy trình vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để huy động các lực lượng đi kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh đến tận thôn bản tạo sự đồng bộ từ các cấp các ngành đến người dân. 

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức năng của các tỉnh đã lập các chốt kiểm dịch, túc trực 24/24h tại các cửa khẩu biên giới và trên các trục đường chính vận chuyển gia cầm vào tiêu thụ. Trong những ngày qua các chốt kiểm dịch đã kịp thời phát hiện, tiêu hủy lượng lớn thịt gà nhập lậu được vận chuyển từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam.

Tại Quảng Ninh: Khoảng 5 giờ ngày 5/3, tại bờ kè biên giới khu vực mốc 1317(2) + 200 thuộc địa phận thôn Cửa Khẩu, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu – Quảng Ninh, tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã phát hiện và bắt giữ 3 bao gà thịt có tổng trọng lượng 50kg được vận chuyển từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam.

Trước đó, hồi 14 giờ ngày 3/3, tại khu vực mốc 1318 (2) thuộc thôn Đồng Phe, xã Hoành Mô, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô phối hợp với Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Chìu Sìu Coóng, thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô có hành vi vận chuyển 12kg gà giống Trung Quốc (loại 0,3 kg/con) trái phép qua biên giới.

Tại Lào Cai: Ngày 06/3, Đội quản lý thị trường số 1 thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ và tiêu hủy 909kg cánh gà đông lạnh nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài.

Đây là một trong những nỗ lực ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhập qua biên giới vào địa bàn của các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai được đẩy mạnh triển khai thời gian qua.

Tại Bắc Giang: Những thông tin về dịch cúm H7N9 từ gà có thể lây lan sang người khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), địa phương có đàn gà lớn nhất cả nước, như ngồi trên đống lửa. Người chăn nuôi đang mất niềm tin vào việc phát triển đàn gà bền vững.

Các tỉnh ĐBSCL tập trung phòng dịch cúm gia cầm

Thời điểm này, nhiều ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại ĐBSCL. Đây là khu vực có địa bàn rộng, hệ thống kênh rạch, sông ngòi lớn có khả năng làm phán tán dịch bệnh nhanh. Để hạn chế dịch bệnh bùng phát hiện nay các địa phương trong vùng đang tăng cường công tác tiêu độc khử trùng nơi vùng dịch, đẩy mạnh công tác tiêm phòng để bảo vệ cho đàn gia cầm.

Tại Tiền Giang: Địa bàn vừa xảy ra một ổ dịch cúm gia cầm trên đàn gà 400 con của ông Nguyễn Văn Tám ở ấp Mỹ Nghĩa 1, xã Mỹ Đức Tây ở giai đoạn 4 ngày tuổi bị bệnh chết. Ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với cúm A - H5N1.

Sau khi phát hiện bệnh cúm gia cầm, Chính quyền và ngành thú y địa phương đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà; đồng thời phun xịt thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại khống chế mầm bệnh lây lan.

Từ đầu năm đến nay, tại huyện Cái Bè xảy ra 3 ổ dịch cúm ở đàn 2 đàn gà và 1 đàn vịt ở các xã: Mỹ Đức Đông, Hậu Mỹ Trinh và Mỹ Đức Tây. Hầu hết các ổ dịch bệnh này đều chưa rõ nguyên nhân lây lan. Trong đó có 2 ổ bệnh cúm A-H5N1 chưa qua 21 ngày.

Tại Sóc Trăng: từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã phát hiện ít nhất 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở các huyện Kế Sách, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Tú. Trong đó, đối với dịch xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi thuộc xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (đến nay đã qua 10 ngày) với số gia cầm chết và tiêu hủy là 945 con.

Toàn bộ gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy; đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng ổ dịch, quản lý vùng có ổ dịch, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền để người dân hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý dịch kịp thời.

TP. Cần Thơ hiện có khoảng 2 triệu con gia cầm các loại. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trở lại ở các tỉnh ĐBSCL, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cần Thơ tổ chức hướng dẫn, kiểm soát mua bán, vận chuyển và tiêm phòng cho đàn gia cầm trên toàn địa bàn.

Hiện nay, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đang tập trung tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó siết chặt quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác