Nam Định chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thủy sản (07-03-2017)

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi bất thường. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5, nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng cao bất thường, lượng mưa có nguy cơ thiếu hụt do mùa mưa đến muộn hơn ở khu vực Bắc Bộ dẫn đến tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ. Vật nuôi cũng dễ bị nhiễm bệnh do nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột dẫn đến sốc nhiệt hoặc nhiễm khí độc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đánh giá môi trường nước ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm, tác động tiêu cực đến sự phát triển của vật nuôi thủy sản. Để chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên các đối tượng vật nuôi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các Phòng, ban, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản chủ động hướng dẫn người nuôi thủy sản trong địa bàn tỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Nam Định chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thủy sản
Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã thành lập các tổ công tác nắm tình hình dịch bệnh và thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Sở còn chỉ đạo tiến hành lấy mẫu cảnh báo môi trường, kịp thời phát hiện các tác nhân tiêu cực có khả năng ảnh hưởng đến môi trường nuôi thủy sản, cảnh báo và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục khi cần thiết, đặc biệt ở các huyện ven biển như Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Tại một số địa phương tập trung nuôi thủy sản như Hải Hòa, Hải Triều, khu Đông Nam Điền, thị trấn Rạng Đông, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được cán bộ thủy sản và người dân chú trọng.

Cùng với sự giám sát, chỉ đạo của cơ quan chức năng, bản thân người nuôi thủy sản cũng chủ động nâng cao hiểu biết về một số dịch bệnh thường xảy ra trên vật nuôi thủy sản, cũng như cách phòng và trị bệnh, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá trắm, cá trôi, cá chép. Công tác xử lý ao nuôi trước khi thả con giống, chú ý khẩu phần ăn cho vật nuôi, kiểm soát chất lượng nước, bổ sung vitamin vào thức ăn cho vật nuôi nhằm tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi cũng được tuân thủ nghiêm ngặt, theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y.

Khi xuất hiện dịch bệnh, người nuôi phải nhanh chóng tuân thủ các nguyên tắc xử lý, không để lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản do cơ quan chức năng tổ chức mà người nuôi thủy sản ở Nam Định đã có thêm nhiều kiến thức, phương pháp phòng, chống bệnh cho vật nuôi thủy sản.

Sở NN&PTNT cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên ngành thủy sản; lịch thời vụ; phương pháp cải tạo ao, đầm nuôi thủy sản, thả giống đã qua kiểm dịch; xét nghiệm; xây dựng cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản tới các hộ nuôi để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản trong địa bàn tỉnh.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc

Tin khác