Kiên Giang: Tăng cường giải pháp kỹ thuật phòng tránh dịch bệnh trên tôm nuôi (22-02-2017)

Năm 2016, ngành thủy sản Kiên Giang nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El-Nino trong các tháng đầu năm và hiện tượng La-nina trong các tháng cuối năm. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016 - 2017 ở các tỉnh Nam Bộ vẫn tiếp tục xảy ra và sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ năm 2017.
Kiên Giang: Tăng cường giải pháp kỹ thuật phòng tránh dịch bệnh trên tôm nuôi
Ảnh minh họa

Nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của thời tiết và dịch bệnh đến nghề nuôi tôm trong tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang đã ban hành khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2017 và đưa ra giải pháp kỹ thuật phòng tránh dịch bệnh trên tôm.

Khung thời vụ thả nuôi

Theo đó, đối với mô hình sản xuất tôm sú – lúa, tại khu vực từ kênh Chống Mỹ đến đê Quốc Phòng sẽ tiến hành thả giống từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2017. Sạ, cấy lúa hoặc trồng các loại cây, cỏ cải tạo môi trường (nếu không trồng được lúa) từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10/2017, thu hoạch hoặc dọp dẹp dứt điểm đến ngày 15/1/2018. Tại các khu vực còn lại trong vùng U Minh Thượng sẽ thả giống tôm sú từ tháng 1/2017 đến hết ngày 15/4/2017, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2017. Sạ hoặc cấy lúa từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10/2017, thu hoạch dứt điểm đến ngày 15/01/2018.

Tại vùng ven sông Cái Lớn thuộc tây sông Hậu, thả giống tôm sú từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3/2017, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2017. Sạ hoặc cấy lúa từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10/2017, thu hoạch dứt điểm đến tháng 01/2018.

Tại vùng ven biển Hòn Đất – Kiên Lương – Hà Tiên và Giang Thành, các huyện Kiên Lương, Hà Tiên và Giang Thành thả giống tôm sú từ tháng 3 đến tháng 4/2017, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2017. Sạ hoặc cấy lúa từ đầu tháng 11/2017 đến ngày 25/12/2017, thu hoạch dứt điểm đến tháng 3/2018. Riêng huyện Hòn Đất thả giống tôm sú từ tháng 4 đến tháng 5/2017, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2017. Sạ hoặc cấy lúa từ đầu tháng 11 đến ngày 15/12/2017, thu hoạch dứt điểm trong tháng 3/2018.

Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, do diễn biến phức tạp khó lường của thời tiết, độ mặn có khả năng sẽ tăng cao vào thời điểm tháng 3, 4 và 5/2017 nên các địa phương cần bố trí lịch thời vụ thả giống phù hợp. Đối với tôm thẻ chân trắng, vụ 1 sẽ tiến hành thả giống từ tháng 1 đến tháng 4 và thu hoạch dứt điểm đầu tháng 7/2017. Sau khi thu hoạch xong vụ 1, cần ít nhất 30 ngày để xử lý vệ sinh, cải tạo ao, kết thúc thả giống tháng 8-9, thu hoạch dứt điểm trong tháng 12/2017. Đối với nuôi tôm sú, sẽ thả giống rải vụ từ tháng 1 đến tháng 7/2017, thu hoạch dứt điểm trong tháng 12/2017.

Về mô hình nuôi tôm rừng – ven đê quốc phòng trở ra biển, căn cứ vào thời tiết và độ mặn từng vùng mà điều chỉnh lịch lấy nước phù hợp. Nuôi theo hình thức thu tỉa thả bù, thả giống rải vụ theo điều kiện của mỗi vùng, cách 1-1.5 tháng thả giống 1 lần.

Đối với mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa sẽ tiến hành thả nuôi trong các khoảng thời gian: từ tháng 02 đến tháng 4/2017 và từ tháng 6 đến tháng 7/2017, thu hoạch sau 5 - 6 tháng nuôi.

Tăng cường giải pháp kỹ thuật

Theo thống kê hàng năm, vào thời điểm mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 5), tôm nuôi trong mô hình tôm – lúa, mô hình quảng canh cải tiến trong tỉnh thường hay bị chết ở giai đoạn khá nhỏ (14 - 45 ngày sau khi thả nuôi). Nguyên nhân là do môi trường biến động lớn, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017 tình trạng khô hạn và thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, gây ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Nhằm đối phó với tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người nuôi tôm nên bố trí ao ương tôm giống ở giai đoạn đầu mới thả. Khu ương có thể được thiết kế bằng ao nổi lót bạt đáy hoặc ao đất. Mật độ ương khoảng 300 -500 con/m3 trong thời gian 25 - 30 ngày. Quá trình ương có trang bị hệ thống sục khí liên tục, cho ăn thức ăn công nghiệp (2 - 4 lần/ngày) và siphon đáy hàng ngày (đối với ao lót bạt). Việc ương tôm giống ở giai đoạn này giúp người nuôi thuận tiện trong việc kiểm soát các yếu tố môi trường nước, sinh vật gây hại và kiểm soát được tình trạng sức khỏe của tôm và mật độ tôm khi thả ra ao nuôi, đồng thời, giúp tôm có sự tăng trưởng đồng đều, sức đề kháng tốt để có thể chống chịu lại với sự tác động bất lợi từ các yếu tố bên ngoài (môi trường, mầm bệnh,…). Nhờ vậy, tôm nuôi sẽ giảm hao hụt đến mức thấp nhất và xác suất thành công của vụ nuôi cao hơn.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ xét nghiệm bệnh tôm giống miễn phí; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; cấp phát hóa chất sát trùng chlorine để dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Xây dựng các mô hình trình diễn nuôi tôm thâm canh năng suất cao, an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất tôm - lúa VietGAP, phổ biến nhân rộng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn đạt hiệu quả. Chủ động mở các cống ngăn mặn ngay sau khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa nhằm phục vụ lấy nước nuôi tôm tại các vùng tôm - lúa cho kịp thời vụ. Khuyến cáo nông dân ngưng thả giống khi thời tiết bất lợi, môi trường không ổn định như nhiệt độ xuống quá thấp do không khí lạnh tăng cường hoặc nắng nóng kéo dài, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5. Tuyên truyền, vận động người dân không thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong mô hình tôm - lúa và quảng canh cải tiến khi chưa có chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Giáng Hương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác