Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên nuôi tôm nước lợ (22-02-2017)

Năm 2016, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và đặc biệt là nghề nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, làm chậm tiến độ thả nuôi tôm nước lợ so với kế hoạch, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ, gây dịch bệnh tại một số tỉnh.
Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên nuôi tôm nước lợ
Ảnh minh họa

Trong năm 2016, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do các bệnh là 10.662,26 ha (giảm 40,54% so với cùng kỳ năm 2015 có tổng diện tích bị bệnh là 17.930,44 ha) chiếm 1,56% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước; không xác định nguyên nhân 13.116,54 ha, còn lại là do biến đổi môi trường, thời tiết (42.361,99 ha). Cụ thể như sau:
Đối với bệnh đốm trắng, diện tích tôm sú bị bệnh là 1.861,43 ha; tôm thẻ bị bệnh là 1.782,48 ha. Tôm bệnh có độ tuổi từ 10-120 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 2.636,2 ha; diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh là 856,82 ha; còn lại là các hình thức nuôi tôm khác bị bệnh là 150,89 ha. Tỉnh Trà Vinh có diện tích bị bệnh đốm trắng lớn nhất (chiếm 21,06% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng của cả nước, chủ yếu là diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến), sau đó đến tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và các địa phương khác.
So với cùng kỳ năm 2015, bệnh tăng về phạm vi 18 xã (tương đương 7,14%) nhưng diện tích bị bệnh giảm 31,73%. 
Về bệnh hoại tử gan tụy cấp, trong năm 2016, bệnh xảy ra tại 299 xã của 82 huyện, thị xã thuộc 25 tỉnh, gồm: Quảng Ninh, Tp Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Tp Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng diện tích bị bệnh là 6.032,68 ha, chiếm 0,9% diện tích nuôi tôm. 

Diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 2.456,44 ha; tôm thẻ bị bệnh là 3.576,24 ha. Tôm bệnh có độ tuổi từ 2-127 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 5.087,55 ha; nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh là 779,59 ha; còn lại nuôi theo các hình thức khác là 165,54 ha. Tỉnh Bạc Liêu có diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp lớn nhất (chiếm 21,81% tổng diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp của cả nước), sau đó đến Sóc Trăng, Cà Mau và các địa phương khác.

So năm 2015, bệnh tăng về phạm vi 02 xã (tương đương 0,67%) nhưng diện tích bị bệnh giảm 35,96%.

Ngoài ra, còn một số bệnh khác như Đỏ thân, Bệnh phân trắng, Đường ruột, Hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHN), Bệnh còi do MBV, Bệnh Vi bào tử trùng.

Nguyên nhân

Do thời tiết biến đổi, nắng nóng kéo dài (tháng 4-5) dẫn đến thiếu nước, nhiệt độ tăng và độ mặn cao làm tôm yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh.

Bên cạnh đó, là vấn đề quản lý chất lượng tôm giống tại các địa phương chưa chặt chẽ. Có thể thấy tình trạng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng được bán tràn lan. Việc tôm bố mẹ sản xuất chưa được kiểm soát chặt chẽ làm cho người nuôi không thể xác định nguồn gốc tôm giống thả nuôi. Điều này cũng góp phần làm nguyên do gây dịch bệnh, tôm chậm lớn và tôm nuôi thịt bị nhiễm đốm trắng cũng như các bệnh vi rút khác.

Ngoài ra, các yếu tố đầu vào như hóa chất dùng xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học chất lượng không đảm bảo. Hiện nay, công tác kiểm soát thị trường thuốc thú y, thủy sản còn lỏng lẻo nên một lượng lớn thuốc hóa chất, men vi sinh chất lượng kém lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường nuôi tôm, cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên tôm.

Hơn nữa, các biện pháp kiểm soát còn nhiều hạn chế, hệ thống thú y thủy sản ở các địa phương còn rất nhiều tồn tại, bất cập.

Quản lý dịch bệnh trên tôm

Khung thời vụ thả nuôi

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các tháng đầu năm 2017, mùa bão có khả năng kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ tiếp tục xuất hiện với tần suất cao hơn, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2017 của các tỉnh Nam Bộ vẫn tiếp tục xảy ra sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thả nuôi tôm nước lợ năm 2017.

Để chủ động mùa vụ nuôi tôm nhằm giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và để đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Công văn số 3298/TCTS-NTTS thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2017.

Theo đó, các địa phương ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả giống từ tháng 1-9 và tháng 11-12 năm 2017; Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến chuyên tôm thả giống quanh năm. Nuôi quảng canh kết hợp tôm sú với cua, cá/tôm rừng thả giống từ tháng 11 năm trước đến tháng 8 năm sau; Nuôi luân canh tôm - lúa thả giống từ tháng 2 -5 năm 2017, sau đó thu hoạch và sạ lúa vào tháng 8-10 năm 2017; Nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017. Đặc biệt, các tháng 2,3,4/2017 là cao điểm của nắng nóng, xâm nhập mặn nên cần khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi tôm không chủ động nguồn nước, cơ sở hạ tầng không đảm bảo nên không thả nuôi.

Các tỉnh Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh) nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến thả giống từ tháng 2 đến tháng 7/2017; Nuôi quảng canh kết hợp cua, cá, rừng thả giống từ tháng 12/2016 - 8/2017. Nuôi tôm thẻ chân trắng thả nuôi từ tháng 02 - 8/2017. Một số địa phương có cơ sở điều kiện hạ tầng đảm bảo có thể thả giống đến tháng 10/2017.

Các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả nuôi từ tháng 3 - 8/2017, nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến thả giống tháng 03 - 8/2017. Một số địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả nuôi quảng canh- quảng canh cải tiến đến cuối tháng 9/2017. Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 2 - 9/2017. Một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận có thể thả nuôi đến tháng 12/2017.

Các tỉnh từ Đà Nẵng  đến Phú Yên nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả nuôi từ tháng 3 – 7/2017, thả nuôi tôm thẻ chân trắng từ tháng 3 đến tháng 8/2017.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả nuôi từ tháng 3 – 6/2017, thả nuôi tôm thẻ chân trắng chính vụ từ tháng 3 đến tháng 8/2017. Đối với vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước ổn định có thể thả giống vụ đông từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11/2016. Thả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10/2017 đối với những vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước ổn định.

Đối với các địa phương có cơ sở nuôi tôm theo hình thức nuôi tôm trong hệ thống ao nuôi có mái che, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường; chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố ven biển căn cứ vào khung mùa vụ chung, tình hình thực tế ở từng địa phương để xây dựng mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể cho từng vùng trong các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở phối hợp với các địa phương phố biến lịch thời vụ, quản lý chặt chẽ việc thả giống, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi.

Kiểm soát chất lượng con giống

Các yếu tố đầu vào như tôm giống, chế phẩm sinh học là vấn đề then chốt quyết định đến thành công hay thất bại của doanh nghiệp và người nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm bố mẹ và tôm giống trong nội địa được khai thác từ tự nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu và chất lượng, dẫn đến thiếu tính chủ động và phải phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến nguồn tôm giống cung cấp cho người nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành nuôi tôm trong nước bị thiệt hại nặng nề trong thời gian qua.

Để giảm thiểu dịch bệnh trên nuôi tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản triển khai các nhiệm vụ kiểm soát chất lượng con giống, các yếu tố đầu vào trong nuôi trồng thủy sản. Khuyến cáo các cơ sở/vùng nuôi liên kết với Hội tôm giống/cơ sở sản xuất giống trong việc cung ứng giống; ký kết hợp đồng để tăng trách nhiệm của người sản xuất giống trong việc đảm bảo chất lượng con giống, đồng thời giúp cho việc quản lý chất lượng giống từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ tốt hơn; Khuyến cáo người nuôi nên sử dụng con giống cỡ lớn để thả nuôi, do đó cơ sở nuôi cần có bể, ao, mương để ương dưỡng giống trước 01 tháng.

Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

Nhằm xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm an toàn dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4088/QĐ-BNN-TY ngày 7/10/2016 về Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Theo đó, UBND các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí và chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để tạo ra các vùng có nguy cơ thấp về dịch bệnh tôm, các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Giáng Hương (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác