Quảng Nam: Hướng dẫn khung thời vụ nuôi thủy sản nước lợ và nước ngọt năm 2023 (24-02-2023)

Để hạn chế bất lợi do thiên tai, dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu sản xuất đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT Tỉnh Quảng Nam hướng dẫn khung lịch thời vụ NTTS năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam: Hướng dẫn khung thời vụ nuôi thủy sản nước lợ và nước ngọt năm 2023
Ảnh minh họa

Về nuôi thủy sản nước lợ/mặn: Đối với nuôi tôm trong ao lót bạt vùng cát ven biển: Vùng nuôi các xã Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hòa, huyện Núi Thành và các xã Bình Nam, Bình Hải, huyện Thăng Bình. Đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Có thể thả nuôi quanh năm nhưng cần có giải pháp phòng chống thiên tai.

Nuôi tôm vùng cao triều: Một số vùng thuộc các xã Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Giang, Tam Hải của huyện Núi Thành. Nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Thả giống từ tháng 01/2023 và thu hoạch cuối tháng 9/2023.

Đối với những cơ sở nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, ao nuôi được lót bạt và có giải pháp phòng chống thiên tai thì có thể thả giống và nuôi quanh năm.

NTTS vùng triều ven sông: Vùng nuôi thuộc TP. Hội An, TP. Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình; một số vùng nuôi huyện Núi Thành. Nuôi trồng tôm thẻ chân trắng, tôm sú và các đối tượng thủy sản khác như: Cá dìa, đối, măng…, cua và rong. Bắt đầu từ đầu tháng 02/2023 và thu hoạch cuối tháng 8/2023, tránh mưa, lũ lụt, bão vào các tháng cuối năm.

Những ao nuôi tôm kém hiệu quả thì nên chuyển sang hình thức nuôi nuôi ghép như: Cua-tôm -rong, tôm-cá, cá-rong-tôm ... hoặc nuôi chuyên cua, cá nước lợ (cá dìa, cá đối mục, cá măng...).

Nuôi cá trong lồng bè nước lợ/mặn: Khu vực Sông Trường Giang, Cửa An Hòa, Cửa Lở thuộc huyện Núi Thành; khu vực Sông Cổ Cò, Cửa Đại thuộc thành phố Hội An. Nuôi cá bớp, cá chim, cá hồng, cá mú, cá dìa, cá măng (đối với cá mú nên nuôi ở khu vực có độ mặn ≥ 17‰).

Đối với lồng bè nằm xa vùng cửa sông, biển: Thời gian thả giống bắt đầu từ đầu tháng 01/2023 đến cuối tháng 3/2023 và kết thúc nuôi vào cuối tháng 9/2023. Còn đối với lồng bè vùng cửa sông, biển, có thể nuôi quanh năm nhưng cần có phương án phòng tránh ảnh hưởng nguồn nước lũ từ các thượng lưu và gió bão.

Nuôi nhuyễn thể trong ao, bãi triều: Các xã Bình Nam, Bình Hải của huyện Thăng Bình, xã Tam Hải, Tam Giang, Tam Hòa của huyện Núi Thành. Đối tượng nuôi: Các loài động vật thân mềm như: hàu, ốc hương... Thời gian thả giống bắt đầu từ tháng 01 đến cuối tháng 3/2023 và kết thúc nuôi vào cuối tháng 9/2023. Đối với những cơ sở có hạ tầng đảm bảo, chủ động nguồn nước mặn, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, có thể nuôi quanh năm.

Nuôi thủy sản nước ngọt: Nuôi cá trong ao: Đối với vùng nuôi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thả giống chậm nhất đến cuối tháng 3/2023 và kết thúc vụ nuôi trong tháng 9/2023. Còn những vùng nuôi không bị ảnh hưởng lũ lụt có thể thả nuôi quanh năm.

 Nuôi cá lồng bè: Nuôi trong hồ chứa nước (thủy lợi, thủy điện), trên sông. Đối tượng nuôi là cá rô phi, điêu hồng, lăng nha, chình, thác lác … Thời gian: Nuôi hồ chứa nước thả nuôi quanh năm, tránh thả cá giống vào thời điểm nhiệt độ xuống dưới 200C. Nuôi trên sông thả cá giống chậm nhất đến cuối tháng 4/2022 và kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9/2022.

Thả cá nuôi trực tiếp trong hồ chứa: Các loài cá như cá mè, trắm cỏ, trôi, chép, rô phi… Thả giống nuôi quanh năm, thực hiện đánh tỉa thả bù,..

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, theo dõi, báo cáo việc thực hiện lịch thời vụ tại địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn các hộ nuôi kê khai số lượng NTTS ban đầu và thực hiện xác nhận vào bản kê khai của chủ hộ theo quy định của Chính phủ về Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an.

Tăng cường công tác quản lý NTTS theo quy hoạch; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường trong NTTS; phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nuôi trồng thủy sản và phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi...

Chi cục Thủy sản tỉnh: Kiểm tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện lịch thời vụ, tình hình NTTS, kịp thời tham mưu Sở các giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp... Phổ biến, hướng dẫn, xây dựng phương án đẩy nhanh thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm thẻ, tôm sú).

Chủ động tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường trong NTTS, hướng dẫn phòng chống thiên tai, kịp thời thông báo đến địa phương và người nuôi. Tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, việc sử dụng tôm bố mẹ theo đúng quy định.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kiểm dịch, vận chuyển giống; xây dựng, triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản và theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh,.. Tăng cường công tác quản lý thuốc thú y thủy sản, tuyên truyền hướng dẫn sử dụng thuốc thú y dùng trong nuôi thủy sản.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Phối hợp lồng ghép nội dung hướng dẫn trong các lớp tập huấn, hội thảo để tuyên truyền rộng rãi lịch thời vụ đến người nuôi; tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi các loài thuỷ sản, phù hợp từng loại hình nuôi; xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh, mô hình nuôi ghép, nuôi ứng dụng công nghệ cao; thực hiện công tác tuyên truyền các mô hình sản xuất có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác