Để nuôi biển thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn (23-02-2023)

Chiều 23/2/2023, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.
Để nuôi biển thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, báo cáo Bộ trưởng tổng quan tình hình nuôi biển. (ảnh Hải Đăng)

Tiềm năng và thách thức

Tại Hội nghị, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với tổng diện tích tiềm năng nuôi biển 500.000 ha; trong đó, vùng bãi triều 153,3 nghìn ha, vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Đối tượng nuôi biển phong phú với nhóm cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển…

Năm 2022, tổng diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 85.000 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm (chưa tính 202.000 ha nuôi xen ghép các đối tượng khác), với 8,9 triệu m3 lồng. Đến nay, cả nước có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng, bè.

Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, nghề nuôi biển của nước ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn hạn chế; việc quản lý và sử dụng các công trình nuôi biển hiệu quả chưa cao, hoạt động chưa đạt được công suất thiết kế; một số đối tượng giống nuôi biển vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên; thiếu quy hoạch nuôi biển, các hộ ngư dân nuôi biển chưa được hưởng chính sách ưu đãi, thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn nghề nuôi biển…

Theo ông Khôi, nước ta hiện có 445 cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Riêng đối với giống tôm hùm hiện nay Việt Nam chưa chủ động và đang nghiên cứu công nghệ sản xuất giống; hàng năm nhập khoảng 5 triệu con giống. Đa phần giống phục vụ nuôi biển đã chủ động sản xuất, song do hiệu quả sản xuất chưa cao nên nhiều đối tượng vẫn khai thác nguồn giống tự nhiên (nhuyễn thể); một số đối tượng vẫn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên như tôm hùm và một số loài cá biển. Đây là một trong những thách thức không nhỏ cản trở sự phát triển của nghề nuôi biển.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng nêu ra một loạt vấn đề trong nuôi biển hiện nay như: Chưa có một đơn vị quốc doanh nào cung cấp con giống đạt chất lượng cao cho bà con nông dân. Người nuôi hầu như đều phải nhập khẩu giống. Nuôi biển chưa có quy hoạch cụ thể, chưa đủ nhận thức. Đặc biệt, ngành nuôi biển chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nên không thể quản lý hiệu quả. Nuôi biển cũng chưa có căn cứ cấp giấy phép cho các trại nuôi của bà con nên chưa thể có cơ chế cho các cơ quan bảo hiểm hỗ trợ…

Mục tiêu và tầm nhìn

Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu chung là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD.

Đến năm 2030: Diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045: Ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (ảnh Hải Đăng)

Cùng nhau để đi xa

PGS. TS Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS I nhận định, thực tế hiện nay cho thấy lợi nhuận từ nuôi biển so với các đối tượng nuôi trồng khác không cao. Lý do đến từ nhiều yếu tố như chi phí nuôi biển xa bờ lớn và rủi ro cao, một số hành lang pháp lý chưa hỗ trợ cho nuôi biển, các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể, công nghệ hỗ trợ nuôi biển chưa phát triển, hệ thống lồng, thiết bị lặn, nuôi tự động, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu…

“Để có thể phát triển ngành nuôi biển, công nghệ sản xuất giống và thức ăn là hai yếu tố chính quyết định sự thành công. Nếu xây dựng được đàn bố mẹ tốt sẽ có chất lượng con giống tốt, giúp đối tượng nuôi phát triển khỏe mạnh, từ đó giúp giảm chi phí trong thời gian nuôi. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng chuỗi sản xuất con giống, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, các viện nghiên cứu cần phải có sự chung tay của các doanh nghiệp và các địa phương”, PGS. TS Đặng Thị Lụa nói thêm.

Viện Nghiên cứu NTTS I sẵn sàng hỗ trợ các công trình nghiên cứu nuôi thương phẩm và nghiên cứu lồng bè HDPE; hỗ trợ các địa phương quan sát, đánh giá môi trường nuôi, đánh giá nguy cơ dịch bệnh; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ lồng bè HDPE chất lượng Na Uy.

TS.Trương Hà Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu NTTS III chia sẻ, Viện có thể tham gia vào các nghiên cứu để đưa ra các công nghệ sản xuất giống cho đối tượng nhuyễn thể, giáp xác; đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp nuôi xa bờ, sản xuất thức ăn cho một số đối tượng điển hình như tôm hùm; tham gia đánh giá tác động môi trường tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Còn TS. Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản cho hay, đơn vị có thể tham gia nghiên cứu, xây dựng quy trình, công nghệ phát triển những đối tượng đầy tiềm năng như sinh vật cảnh, san hô, cá cảnh, rong tảo biển cũng như những đối tượng nhuyễn thể như bào ngư, đối tượng xa bờ như cá ngừ đại dương.

PGS. TS Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. (ảnh Hải Đăng)

TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản khẳng định, Viện có thể tham gia xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn lồng bè, vật liệu an toàn môi trường, an toàn sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số phục vụ cho công tác quản lý; xây dựng chuỗi ngành hàng, phát triển hỗ trợ cộng đồng nuôi biển, hỗ trợ bà con ở quy mô nhỏ. Viện cũng có thể đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ nuôi biển và đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tham gia nghiên cứu các ngành nghề nuôi biển…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cần phải xác định nuôi biển không đơn thuần chỉ là nuôi con cá, con mực mà là nuôi sự đa dạng sinh học của đại dương, nuôi một dân tộc 100 triệu dân và cả thế hệ mai sau. Đó là tư duy vì lợi ích quốc gia, đất nước và vì sự bền vững của đại dương trước những thách thức của biến đổi khí hậu, của tự nhiên, của nhân loại. Các viện, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần xác định phát triển nuôi biển là trách nhiệm tham gia vào công cuộc thay đổi đất nước”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, không gian nuôi biển cần được mở rộng vào trong đất liền để có thể đa dạng hóa công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nuôi biển.

Bà con không nhất thiết phải nuôi tôm, nuôi cá mà có thể tìm đến những đối tượng nhiều tiềm năng khác đã được các viện, trường nghiên cứu, được ngành nông nghiệp, thủy sản địa phương giới thiệu. Từ đó mới có thể xây dựng đến những vấn đề khác như vốn, tín dụng, đào tạo, quy trình sản xuất, xu thế thị trường… Công tác quy hoạch cần phải bắt nguồn từ thực tế”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác