Hà Tĩnh: Triển khai công tác kiểm tra môi trường đầu vụ nuôi tôm năm 2021 (16-03-2021)

Năm 2020, Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh tuy gặp nhiều khó khăn như: Thời tiết bất lợi, mưa lũ kéo dài; giá cả đầu vào tăng cao, giá tôm thương phẩm giảm mạnh, đặc biệt là đại dịch covid 19 xẩy ra... ; tuy nhiên được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vượt khó của bà con nông dân nên sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2020 vẫn ổn định và tiếp tục có bước phát triển khá; các chỉ tiêu, mục tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Hà Tĩnh: Triển khai công tác kiểm tra môi trường   đầu vụ nuôi tôm năm 2021

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2021 đạt 7.357 ha, sản lượng đạt 15.320 tấn. Trong đó diện tích tôm nuôi đạt 2.510 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 4.605 tấn, tăng 4% so với năm 2019.

Phát huy kết quả đạt được năm 2020, để góp phần đảm bảo cho bà con nông dân có một vụ mùa nuôi tôm năm 2021 thắng lợi, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2021, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thuỷ sản miền Bắc và các địa phương tiến hành quan trắc môi trường, thu mẫu tôm tự nhiên để kiểm tra mầm bệnh đốm trắng ở một số vùng nuôi tôm tập trung trong toàn tỉnh.

 Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường tại 31 vùng nuôi tôm tập trung, thu được 32 mẫu tôm tự nhiên để kiểm tra mầm bệnh đốm trắng và hướng dẫn cụ thể đến các hộ dân biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ. Kết quả kiểm tra cho thấy các thông số quan trắc một số chỉ tiêu đầu vụ nuôi đều đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả kiểm tra mầm bệnh đốm trắng, tất cả các mẫu tôm thu được đều cho kết quả âm tính.

Tại thời điểm kiểm tra về cơ bản các vùng nuôi đều bắt đầu tiến hành cải tạo ao hồ như tháo nước, nạo vét đáy ao, phơi ao, tu sửa cống, bờ ao,... để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm năm 2021. Phần lớn người dân đã có ý thức và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ đảm bảo trước khi thả giống theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn địa phương. Các vùng nuôi trên cát trên địa bàn toàn tỉnh có cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm khá đồng bộ từ hệ thống điện, ao chứa lắng, kênh cấp thoát, giao thông, đảm bảo nuôi tôm thâm canh  Các vùng nuôi ao đất đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, nuôi trong nhà có mái che, nuôi trong bể  tròn,... (Vùng nuôi thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Hộ Độ huyện Lộc Hà; vùng nuôi Thạch Bàn huyện Thạch Hà, Kỳ Thư, Kỳ Thọ huyện Kỳ Anh,...).  Hiện nay, một số vùng nuôi trên cát các hộ dân bắt đầu thả giống (chiếm khoảng 20% diện tích nuôi), các vùng ao đất hầu hết đang giai đoạn cải tạo (số rất ít thả giống từ trong năm nuôi qua đông).

Ngày 15/3/2021, Chi cục Thủy sản đã có công văn số 90/TS-NTTS thông báo kết quả kiểm tra môi trường các vùng nuôi tôm, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ và phòng trừ dịch bệnh, cụ thể như sau:

- Thời kỳ này hầu hết các hộ nuôi đang tiến hành cải tạo ao chuẩn bị thả giống, đề nghị các hộ nuôi thực hiện cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Chú ý tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm hao hụt nước trong quá trình nuôi, thất thoát sản phẩm trong điều kiện mưa lớn và bão lũ xảy ra. Cấp nước vào ao lắng lọc vào thời điểm đỉnh triều qua túi lọc, sau đó xử lý nước trong ao lắng trước khi cấp cho ao nuôi. Xử lý nước phải đảm bảo các thông số môi trường có giá trị nằm trong giới hạn cho phép trước khi thả giống.

- Thời tiết những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, gió mùa lạnh kết hợp với mưa phùn, có những thời điểm nắng nóng ban ngày nhiệt độ cao, ban đêm nhiệt độ xuống thấp kết hợp sương muối ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đối tượng nuôi. Vì thế đối với những ao đã xuống giống bà con nên lưu ý công tác quản lý môi trường ao nuôi, duy trì mực nước trong ao cao (1,3-1,5 m) để hạn chế biến động nhiệt độ và các yếu tố môi trường kết hợp với tăng cường quạt nước hạn chế phân tầng nước và cung cấp oxy hòa tan đảm bảo cho tôm phát triển. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các chất dinh dưỡng như Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng chất,... Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày bằng việc quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Cân nhắc thời điểm thả giống thích hợp, hạn chế tác động xấu của thời tiết giao mùa; đồng thời lựa chọn con giống có chất lượng, uy tín thương hiệu trên thị trường về thả nuôi, tuyệt đối không lấy giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch về thả nuôi.

- Kết quả kiểm tra mầm bệnh đốm trắng và Vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp ở một số điểm quan trắc đều không phát hiện mầm bệnh. Tuy nhiên nguy cơ rủi ro về dịch bệnh luôn tồn tại vì vậy để đảm bảo vụ nuôi an toàn người nuôi cần cải tạo kỹ môi trường ao nuôi thật kỹ, vệ sinh, xử lý ao đầm, khu vực nuôi cẩn thận, đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả giống. 

- Đối với những  ao nuôi lấy nước vào độ sâu trung bình đạt 0,8-1,0 m cần có phương án hạ cốt đáy ao xuống, đắp cao bờ ao nhằm đảm bảo mức nước lấy vào ao khi nuôi tôm đạt >1,2 m, giảm thiểu sự biến động các yếu tố môi trường trong những lúc thời tiết biến động mạnh, nắng nóng kéo dài.

- Một số hộ nuôi ở các vùng như Đan Trường –Nghi Xuân,Thạch Hưng, Đại Nài (TP Hà Tĩnh), vùng Đập Đuồi - Kỳ Thọ (Kỳ Anh), Eo Bù Kỳ Ninh, Kỳ Trinh (Thị xã Kỳ Anh),... được đầu tư từ chương trình 224, diện tích ao hồ quá lớn dao động từ  1 - 2 ha cần có phương án đầu tư, chia nhỏ  ao nuôi thành các ao diện tích 2.000 - 5.000 m2/ao để dễ quản lý trong quá trình nuôi.

Trần Hương –Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác