Sản lượng tôm nước lợ trên cả nước ước đạt 556 nghìn tấn tăng 3% cùng kỳ năm 2019 (28-09-2020)

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tính đến ngày 15/9/2020, sản lượng tôm nước lợ trên cả nước ước đạt 556 nghìn tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 66,9% kế hoạch năm 2020).
Sản lượng tôm nước lợ trên cả nước ước đạt 556 nghìn tấn tăng 3% cùng kỳ năm 2019

Ngay từ đầu năm 2020, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nước lợ nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, đại dịch covid 19 không chỉ đe dọa đến cả tính mạng, sức khỏe của nhân dân trên toàn thế giới, còn làm ảnh hưởng nặng đến toàn bộ chuỗi kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm thời tiết cực đoan, hạn mặn diễn ra ngày càng gay gắt đã ảnh hưởng  đến việc thả nuôi tôm tôm nước lợ, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, giá các mặt hàng thủy sản giảm sút.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến nay, diện tích thả nuôi tôm trên cả nước đạt trên 708 nghìn ha, (bằng102% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 97,1% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú là 622 nghìn ha (bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng là 85 nghìn ha (bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2019).

Tính đến ngày 15/9/2020, sản lượng tôm nước lợ trên cả nước ước đạt 556 nghìn tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 66,9% kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú đạt 185 nghìn tấn (bằng 100,2% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng đạt 366 nghìn tấn (bằng 104,6% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình hạn hán xảy ra rất khốc liệt tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thả giống cũng như làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 8 tháng năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 38 nghìn ha, gấp trên 2 lần so cùng kỳ năm 2019; trong đó có khoảng 30 nghìn ha tôm bị chết không rõ nguyên nhân.

Mặc dù, trong những tháng đầu năm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoạt động giao thương bị đình trệ, giá cả các mặt hàng giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, tuy nhiên, với sự thành công trong chống dịch covid19 và kiểm soát dịch bệnh của nước ta đã được thế giới đánh giá cao điều này đã tạo sự yên tâm cho người dân tập trung sản xuất cũng như tạo ra uy tín cho các sản phẩm của Việt Nam, cùng với đó chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa kết thúc và một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam về sản phẩm tôm và các sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và dịch bệnh như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan…Tuy nhiên, ngành tôm nước lợ vẫn có những tín hiệu và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã chính thức có hiệu lực đã tạo ra động lực mới và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm các loại tính đến 15/8/2020 ước đạt 2,093 tỷ USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ). Trong đó tôm nước lợ ước đạt 1,846 tỷ USD (Tôm sú đạt 353 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ); tôm thẻ chân trắng đạt 1,493 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ). Một sự kiện đáng chú ý vừa qua ngày 11/9, Sáng 11/9, tại khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức Lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam, trực tiếp là của Công ty TNHH Thông Thuận đi một số nước châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Lô tôm thẻ chân trắng xuất khẩu được sản xuất theo tiêu chuẩn ASC, xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Anh được hưởng thuế suất 0% với tổng trọng lượng 60 tấn. Sự kiện này đã đánh dấu mốc quan trọng, mở ra tiềm năng mới cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Một thông tin đáng mừng là hiện nay giá tôm giá tôm thẻ chân trắng trong nước có dấu hiệu tăng nhẹ và tương đương giá cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2020. Giá tôm tại ĐBSCL tăng khoảng 5.000-10.000đ/kg đối với cỡ tôm từ 46 – 100con/kg (so với thời điểm tháng 6/2020); tăng khoảng 15.000 – 17.000 đối với cỡ tôm từ 20 – 45con/kg (so với thời điểm tháng 4/2020).

Hiện tôm thẻ chân trắng giá bán giao động 82 nghìn đồng/kg đến 170 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại size, hiện size 20 con/kg giá tăng lên mức 180 nghìn đồng – 185 nghìn đồng/kg (tương đương giá đầu tháng 7/2020). Giá tôm sú size 40con/kg khoảng 125.000đ/kg; size 30con/kg: 140.000 – 155.000đ/kg; size 20con/kg khoảng 180.000đ/kg.

Đối với tình hình sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm, tính đến hết tháng 8/2020, cả nước nhập khẩu khoảng 110.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 3.000 con tôm sú bố mẹ. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.

Ngoài ra, trong nước hiện nay đã có một số cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ như công ty Việt - Úc. Còn đối với tôm sú, đến hết tháng 8/2020, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận sản xuất và cung cấp tôm sú bố mẹ cung cấp ra thị trường là 10.900 con (tăng 10% so với cùng kỳ 2019). 

Cả nước hiện có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản xuất và cung cấp cho thị trường được là 69,9 triệu con tôm giống. Trong đó tôm sú là: 15,5 triệu con; tôm TCT: 54,1 trệu con (bằng 96,5% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, nhiều cơ sở đã giảm 50% công suất, một số cơ sở đã tạm dừng hoạt động, cho công nhân tạm nghỉ việc do không bán được tôm giống. Toàn vùng ĐBSCL có 1.278 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất được khoảng 16 tỷ con tôm giống (đáp ứng được 48,3% nhu cầu thả nuôi), số tôm giống còn thiếu được cung cấp từ các tỉnh Nam Trung Bộ.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác