Đăk Lăk: Phát triển và nhân rộng mô hình nuôi cá trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm (25-09-2020)

Tiếp nối thành công của dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” năm 2019 đã giúp người nuôi thủy sản nhận thức được vai trò của các hồ chứa trong đời sống sinh hoạt và khả năng phát triển kinh tế của người dân.
Đăk Lăk: Phát triển và nhân rộng mô hình nuôi cá trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm
Điểm trình diễn tại đập Krông Buk hạ, xã Krông Buk, huyện Krông Pách

Đồng thời tạo cơ sở phát triển nuôi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường xung quanh hồ, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông – Giống Cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk tiếp tục triển khai dự án năm thứ 2 với mô hình “Nuôi cá Lăng Nha trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm”

Tỉnh Đăk Lăk hiện có khoảng 42.000 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản.  Trong đó, về tiềm năng để phát triển nuôi cá lồng bè tại tỉnh nhà rất lớn: 550 công trình thủy lợi lớn và vừa; có khoảng 441 hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, với tổng diện tích mặt thoáng khoảng 8.930 ha; có 63 đập dâng, 29 trạm bơm và 877 km kênh mương thủy lợi.  Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Đăk Lăk đến tháng 9/2019:  Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 11.270 ha; Sản lượng ước đạt 16.875 tấn; Sản xuất cá giống 1.300 triệu con bột, 60 triệu cá giống; Nuôi cá lồng bè 803 lồng.

Với tiềm năng khá lớn về diện tích cũng như đa dạng các loại mặt nước, tuy nhiên việc phát triển nuôi cá lồng còn hạn chế về các mặt (qui mô, đối tượng, năng suất). Đồng thời, các mô hình còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Để nhằm phát triển nghề nuôi cá trong lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng bền vững và mở rộng Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, Vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đăk Lăk đã lần lượt xây dựng mô hình trình diễn từng đối tượng tại từng địa phương để từng bước nhân rộng và phát triển.

Trong năm 2019, Trung tâm đã triển khai mô hình nuôi cá Thát Lát Cườm trong lồng bè tại huyện EaSup thuộc dự án Khuyến nông Trung Ương với qui mô 200 m3. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn kinh phí của địa phương Trung tâm đã thực hiện mô hình “Nuôi cá Rô Phi trong lồng bè tại 02 huyện Lăk và EaKar. Các mô hình trong năm 2019 được người dân đánh giá cao và áp dụng nhân rộng trong địa phương. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với các Trạm Khuyến nông huyện đã thường xuyên tư vấn trực tiếp, gián tiếp cho bà con về các nội dung nuôi và phòng trị bệnh cá trong nuôi lồng bè.

Để khai thác hết tiềm năng nuôi cá lồng bè đang có tại địa phương, năm 2020 Trung tâm tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn về nuôi cá lồng bè theo các đối tượng khác nhau. Đối với dự án Khuyến nông Trung Ương đã thay đổi đối tượng cá Thát Lát sang đối tượng cá Lăng Nha. Ngay từ đầu tháng 3/2020 Trung tâm đã khảo sát và lựa chọn được 02 hộ tại Xã Tân Tiến và Krông Buk thuộc huyện Krông Pách tham gia mô hình.

Quá trình triển khai cán bộ kỹ thuật đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Krông Pách xuống tận các hộ dân hướng dẫn cách xây dựng lắp đặt lồng bè, xử lý vệ sinh lồng bè trước và trong quá trình nuôi.

(Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn lắp đặt lồng bè tại hồ chứa EaDray, xã Tân Tiến).

Thực hiện việc giãn cách xã hội chung tay phòng chống đại dịch Covit 19 đang xẩy ra trên toàn cầu tất cả các hoạt động đã tạm ngừng từ ngày 01/4/2020. Sau 15 ngày giãn cách tại Đăk Lăk là địa  phương nằm trong vùng nguy cơ thấp nên  ngày 20/4/2020  Trung tâm đã tiến hành thả  4.000 con  giống (Cá Lăng Nha) với kích cỡ 18 cm/con cùng với 04 bao cám (40% độ đạm) cho 02 hộ tham gia thực hiện mô hình.

(Thả cá giống tại hộ ông Hồ Ngọc Toan – Đập Krông Buk hạ)

Xác định đây là mô hình điểm để bà con học tập và nhân rộng, phát triển trong toàn tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật cần bám sát, theo dõi, hướng dẫn chi tiết cụ thể để các hộ thực hiện đạt hiệu quả nhất. Đồng thời, trong quá trình thực hiện cán bộ kỹ thuật cần hướng dẫn người dân ghi chép vào sổ nhật ký mô hình để sau khi kết thúc có sự đánh giá về hiệu quả kinh tế. Mặc khác, thông qua sổ nhật ký mô hình bà con có thể tự trao đổi về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm cho nhau về mô hình nuôi cá lồng bè. Đây là hình thức nhân rộng và phát triển mô hình thực tế  và hiệu quả nhất (lấy dân dạy cho dân).

Trong xu hướng phát triển và nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè trong thời gian tới, thiết nghĩ tỉnh nhà cần ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển, hỗ trợ sản xuất nuôi trồng thủy sản; Các công ty quản lý các công trình thủy điện tạo điều kiện cho bà con cư dân sinh sống quanh khu vực lòng hồ được khai thác, sử dụng một phần diện tích mặt nước lòng hồ để phát triển nuôi cá lồng bè, góp phần cải thiện sinh kế, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện; Đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, phát triển sản xuất các giống mới, giống đặc sản, đặc hữu, áp dụng các quy trình tiên tiến, công nghệ sinh học vào sản xuất, bảo quản, chế biến; Tận dụng điều kiện lợi thế vùng miền để quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, để giải quyết mối quan hệ hài hòa, đảm bảo cân bằng trong sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thủy đặc sản và kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư thúc đẩy sản xuất, gắn với việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Thị Hồng Duyên

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác