Phê duyệt đề án hơn 3000 tỷ đồng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước (19-08-2020)

Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu vừa phê duyệt đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Phê duyệt đề án hơn 3000 tỷ đồng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước
Ảnh minh họa

Theo đề án, với định hướng đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước đáp ứng được các yêu cầu về đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản theo hướng xanh sạch và bền vững, tạo được sức hút cũng như khả năng lan tỏa những lợi thế so sánh của Bạc Liêu đối với vùng và trên phạm vi cả nước. Phát triển sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ. Lấy xuất khẩu làm động lực, đồng thời quan tâm đến thị trường nội địa và khách du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh cả về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạn chế tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả.

Tập trung phát triển hai đối tượng tôm nước lợ chủ lực của tỉnh là tôm thẻ chân trắng (TCT) và tôm sú theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững, hướng đến tạo thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu; từng bước xây dựng thương hiệu cho tôm giống Bạc Liêu.

Mục tiêu đặt ra là đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao (CNC) cho hai đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú), trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến. Bạc Liêu trở thành đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng. Là nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và của cả nước cùng phát triển bền vững.

Đề án đã đưa ra 3 mục tiêu chính về sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến tôm, cụ thể:

Về sản xuất giống, mục tiêu trong năm 2020, hình thành vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và sản xuất được khoảng 32 - 35 tỷ con giống. Đến năm 2025, toàn tỉnh Bạc Liêu sản xuất được 40 - 45 tỷ con giống, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận. Lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt 60% (năm 2020) và 90% (năm 2025). Xây dựng trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm ứng dụng CNC nằm trong Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản trị tiên tiến trên thế giới vào quản lý; áp dụng công nghệ tin học, viễn thám để quản lý môi trường, dịch bệnh và các khâu trong chuỗi sản xuất ở các vùng sản xuất giống.

Về mục tiêu nuôi tôm thương phẩm, xây dựng và hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu với nòng cốt là các tổ chức khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển CNC trong ngành công nghiệp tôm. Xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC (Nuôi tôm sú, TCT) là hướng phát triển chính của tỉnh. Khuyến khích phát triển hình thức nuôi CNC mô hình nông hộ.

Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt 147,9 nghìn ha, trong đó nuôi theo mô hình ứng dụng CNC, thâm canh, bán thâm canh (TC, BTC) 35,9 nghìn ha (ứng dụng CNC 4 nghìn ha, nuôi TC, BTC 31,9 nghìn ha); mô hình tôm - lúa 42 nghìn ha, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (QCCTKH) 70 nghìn ha. Sản lượng tôm nuôi 249 nghìn tấn, trong đó nuôi theo mô hình ứng dụng CNC, TC, BTC 199,2 nghìn tấn (ứng dụng CNC 84,5 nghìn tấn, nuôi TC, BTC 114,7 nghìn tấn).

Trên 30% các hộ nuôi, công ty, doanh nghiệp sử dụng CNC trong sản xuất tôm như: Công nghệ nhà kính CNC Israel, Công nghệ Biofloc, Copefloc, quy trình nuôi tôm 02 giai đoạn, hệ thống tuần hoàn nước...hình thành 09 vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng dụng CNC trở lên quy mô diện tích 3,89 nghìn ha. Trên 30% các doanh nghiệp, công ty, hộ nuôi đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC... trong NTTS.

Về phát triển chế biến, với mục tiêu đặt ra cho năm 2020, 100% sản phẩm tôm chế biến CNC đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn quốc tế và của từng thị trường xuất khẩu. Sản lượng tôm chế biến năm 2020 đạt 98,3 nghìn tấn và năm 2025 đạt 120 nghìn tấn. Tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng CNC năm 2020 đạt 20% và năm 2025 trên 30%.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2020, đưa tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 73 nghìn tấn, năm 2025 đạt 90 nghìn tấn và chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của cả tỉnh.

Năm 2025 phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160 nghìn tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2025 Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra 13 nhóm giải pháp đồng bộ từ cơ chế và chính sách, quản lý nhà nước và cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thị trường tiêu thụ, đến tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo tính bền vững trong đó chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác liên kết vùng, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, về cơ chế chính sách tỉnh Bạc Liêu Đề xuất cơ chế đặc thù lên Trung ương (về tín dụng, vốn vay cho nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng CNC ở cấp nông hộ) tạo cú hích đột phá cho việc xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Nghiên cứu và sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển các trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC, trung tâm sản xuất giống, các cụm ngành tôm gắn với cụm ngành hỗ trợ tạo sức hút với các nhà đầu tư nhằm phát triển những lĩnh vực trọng tâm của lĩnh vực công nghiệp tôm của Bạc Liêu. Xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực liên kết chuỗi giá trị liên kết thị trường nông sản vốn là ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 và sản xuất nông nghiệp thông minh vào thực tế sản xuất.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và chế biến tôm theo pháp luật Việt Nam, chú trọng thu hút vốn FDI. Khuyến khích mô hình Công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn, tiếp thu trình độ quản lý, tạo bước đột phá trong quản trị doanh nghiệp. Tạo dựng một số doanh nghiệp tập đoàn chế biến tôm nòng cốt, nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng vai trò dẫn dắt thị trường và là trung tâm của mối liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm của tỉnh, của vùng và cả nước. Tăng cường quản lý chất lượng và VSATTP; quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu.

Về thị trường xuất khẩu, mục tiêu giữ vững và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc,…), các thị trường tiềm năng (Đông Âu, Châu Phi, Nam Mỹ,…). Bên cạnh đó, mở rộng các mô hình hợp tác mới, liên kết chặt chẽ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nội địa theo các đơn đặt hàng giữa người sản xuất và các thành phần kinh tế khác.

Ngoài ra, chú trọng đến yếu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nưóc biển dâng và hợp tác liên kết vùng trong chuỗi giá trị ngành tôm một cách bền vững.

UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan xây dựng thương hiệu “tôm giống Bạc Liêu”, “tôm thương phẩm công nghệ cao Bạc Liêu”… với sản phẩm có dấu hiệu nhận diện rõ ràng, số lượng và chất lượng đảm bảo, ổn định và người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và phải tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng được hệ thống doanh nghiệp chế biến và thương mại ngành tôm có uy tín, đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm xã hội và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và hệ thống doanh nghiệp này phải tham gia được vào chuỗi cung ứng tôm toàn cầu.

Dự kiến nguồn vốn để triển khai đề án trên là hơn 3.000 tỷ đồng, lấy từ ngân sách Trung ương và địa phương, phần còn lại là đóng góp của các doanh nghiệp, các nguồn hợp pháp khác. 

Số kinh phí này để thực hiện ít nhất 5 chương trình và 20 đề án, dự án từ năm 2020 đến 2025 ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác