Yên Bình vươn lên làm giàu nhờ nuôi thủy sản (11-06-2020)

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi đến thăm các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn phường Yên Bình, đây là một trong những địa phương phát triển thủy sản nhất của thành phố Tam Điệp. Từ xa đã nghe tiếng máy quạt nước chạy rầm rì, bọt tung trắng xóa, không khí sản xuất tươi vui nhộn nhịp. Toàn vùng  quy hoạch ngay ngắn, các ao nuôi vuông vắn nối tiếp nhau thành những ô, thửa đẹp mắt
Yên Bình vươn lên làm giàu nhờ nuôi thủy sản
Ao nổi nuôi cá thâm canh tại phường Yên Bình thành phố Tam Điệp

Dẫn chúng tôi đi thăm, ông Vũ Văn Tấn – tổ trưởng tổ Thủy sản Yên Bình cho biết: Với diện tích 22 ha được phép chuyển đổi sang nuôi thủy sản người dân đã tích cực chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh các đối tượng cá nước ngọt có giá trị kinh tế. Đặc biệt, năm 2018 diện tích nuôi ao nổi được mở rộng và phát triển mạnh, đã có hơn 15 ha ao nổi  nuôi theo hình thức thâm canh, mức độ đầu tư cũng như trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của bà con nông dân mỗi ngày được nâng lên. Chính vì vậy hai năm trở lại đây, sản xuất thủy sản đã đem lại thu nhập cao cho bà con, tại đây đang dần hình thành vùng nuôi chuyên canh tập trung. Ngoài ra, năm 2015 chúng tôi đã cùng nhau thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với 27 thành viên. Các thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong việc giao thương con giống, liên kết cùng nhau trong việc mua thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học với số lượng lớn để được ưu đãi của nhà sản xuất. Cùng nhau trao đổi kỹ thuật cũng như các kinh nghiệm nuôi để học hỏi áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt là liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Một ý nghĩa nữa của việc tham gia tổ hợp tác của các thành viên đó là tương trợ nhau về công lao động đánh bắt, kéo lưới cũng như chia sẽ các vật dụng ngư lưới cụ, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất. Các thành viên trong tổ đã tiết kiệm được 25 đến 30 triệu tiền đổi công lao động mỗi năm.

Đến thăm ao nhà anh Vũ Quang Hiệp ở tổ dân phố Đồi Cao, với 3 ao có diện tích 1,2 ha, được xây dựng theo hình thức ao nổi bờ được kè gia cố bằng bê tông chắc chắn, lắp đặt đầy đủ máy quạt nước và máy cho ăn tự động đồng bộ. Giữa tháng 5 vừa  rồi gia đình anh lên cá ở ao có diện 3.800m2 được gần 9 tấn cá trắm cỏ và chép thu được 520 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí trong vòng 6 tháng nuôi anh thu được 120 triệu đồng tiền lãi. Anh Hiệp cho biết: Ban đầu khi mới mon men bước chân vào nghề, tôi gặp rất nhiều khó khăn từ việc tìm cơ sở mua giống đảm bảo chất lượng cho đến kỹ thuật nuôi và kinh nghiệm xử lý các tình huống môi trường xấu, cá bệnh chết hàng loạt thiệt hại cả trăm triệu đồng. Có năm, dịch bệnh, do thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm nên liêu tục cho thuốc sát khuẩn,kháng sinh xuống ao khiến cho đáy áo bị “trơ”, hệ vi sinh có lợi trong ao bị tiêu diệt, cá còi cọc chậm lớn. Sau này, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do cán bộ Chi cục Thủy sản hướng dẫn về: Nuôi cá nước ngọt thâm canh trong ao nổi; sử dụng công nghệ vi sinh trong nuôi thủy sản; các biện pháp phòng trị bệnh cho cá nuôi… nên đã nắm bắt được phần nào kỹ thuật. Bênh cạnh đó tôi và các anh em trong tổ nuôi trồng thủy sản đã được Chi cục Thủy sản giới thiệu cho địa điểm các hộ nuôi cá giỏi trên địa bàn huyện Gia Viễn để tới tham quan học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng vào sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đang áp dụng công nghệ vi sinh vào nuôi thâm canh cá. Công nghệ này đã mang lại kết quả rất tốt, việc sử dụng chế phẩm sinh học có thể thay thế hoàn toàn các loại thuốc hóa học, hóa chất, kháng sinh, làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi, nâng cao sức khoẻ và sức đề kháng tôm cá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi và xung quanh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong quá trình nuôi ngoài ra còn giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và năng suất.

Theo đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản tại phường Yên Bình cho thấy, sau chu kỳ nuôi 6 tháng, tỷ lệ sống của cá đạt trên 85%, trọng lượng bình quân 2kg – 2,5kg/con. Đặc biệt, nhờ việc áp dụng công nghệ này đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức về tập quán nuôi cá, tạo nguồn thực phẩm sạch cũng như giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị trên 1 hecta canh tác, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, để phát triển bền vững và mở rộng quy mô cũng như ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản, ông Phạm Huy Trung, trưởng phòng NTTS chi cục thủy sản tỉnh cho biết, cần chú trọng áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, giảm ảnh hưởng của hóa chất trong phòng trị bệnh, giảm áp lực về môi trường và tiết kiệm nguồn nước. Đồng thời phát triển các vùng nuôi tập trung trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo An toàn thực phẩm cung cấp theo nhu cầu của thị trường./.

CHI CỤC THỦY SẢN NINH BÌNH - Ks. Nguyễn Minh Huệ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác