Tiền Giang: Tăng cường quản lý nuôi cá lồng, bè thời điểm giao mùa (26-05-2020)

Trước tình hình diễn biến thời tiết có nhiều bất lợi, để chủ động quản lý tốt cá bè nuôi trong thời điểm giao mùa, nhằm hạn chế thiệt hại cho cá nuôi, Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn gửi các địa phương trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi cá lồng, bè thời điểm giao mùa.
Tiền Giang: Tăng cường quản lý nuôi cá lồng, bè thời điểm giao mùa
Ảnh minh họa

Ngày 11/5/2020, Chi cục Thủy sản phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thực hiện khảo sát và tiến hành lấy mẫu nước và mẫu cá gửi xét nghiệm tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II. Kết quả phân tích cho thấy, tổng vi khuẩn hiếu khí trong nước ở mức 103 -105 CFU/ml, tổng vi khuẩn Aeromonas từ 102 -103 CFU/ml (gây bệnh xuất huyết) luôn ở mức cao. Kết quả phân lập và định danh vi khuẩn phát hiện tất cả các mẫu cá đều có sự hiện diện của vi khuẩn Streptococcusiniae (gây bệnh mắt lồi).

Trước đó, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra hiện tượng cá nuôi trên các lồng/bè của nhiều hộ dân chết gây thiệt hại cho người nuôi. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang và chính quyền địa phương đã thực hiện việc xác minh, ghi nhận tình hình cá nuôi lồng/bè chết tại hộ ông Mai Sinh Nhựt, ấp Tân Thạnh, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho.

Tổng số bè nuôi của cơ sở là 6 bè/600 m3, trong đó số bè hiện đang nuôi cá điêu hồng là 5 bè/500 m3, cá lăng là 1 bè/100 m3 (mới thả nuôi, cá phát triển bình thường).

Cá trong bè bắt đầu chết từ giữa tháng 4/2020. Cụ thể: từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4, cá chết trung bình từ 20-50 con/ngày; từ đầu tháng 5 đến thời điểm khảo sát, cá chết 100-200 con/ngày. Cỡ cá chết chủ yếu là 40-50 g/con (cá 2 tháng tuổi). Tỷ lệ hao hụt ước từ lúc thả giống cho đến nay khoảng 30%, sản lượng hao hụt khoảng 0,7 tấn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ cũng đã khảo sát tình hình cá điêu hồng nuôi bè chết tại cồn Thới Sơn. Trong tổng cộng 44 bè được khảo sát nói trên, có 35 bè thả nuôi cá điêu hồng (3.500 m3), 5 bè nuôi các loại cá khác như basa, vồ đém, cá dứa và 4 bè cá điêu hồng đã thu hoạch.

Theo ghi nhận, cá trong các bè nuôi bị chết từ đầu tháng 5, tỷ lệ hao hụt ước tính khoảng 20-30%, sản lượng hao hụt khoảng 1,5-2tấn/20 bè. Cá chết chủ yếu là cá điêu hồng, cỡ cá chết 250-500g/con, lượng cá chết trung bình 30 con/bè/ngày, số bè có cá chết là 20 bè.

Cá trước khi chết có dấu hiệu giảm ăn, tăng trưởng chậm, nổi lờ đờ, mắt lồi, xuất huyết các gốc vây, hậu môn sưng, gan không có màu đồng nhất, vây đuôi tưa và thân cá có hiện tượng chuyển sang màu vàng.

Trước tình hình diễn biến thời tiết có nhiều bất lợi, hiện đang là thời điểm giao mùa, ngày nắng nóng xen kẽ những cơn mưa dông làm cuốn trôi phèn, vật chất hữu cơ,... từ các nhánh sông vùng nội đồng đổ ra sông Tiền làm cho các yếu tố môi trường nước vùng nuôi cá bè thay đổi, sức đề kháng, hệ miễn dịch của cá nuôi giảm, làm cá nuôi dễ phát sinh dịch bệnh. Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn gửi các địa phương trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi cá lồng, bè thời điểm giao mùa.

Ðể chủ động quản lý tốt cá bè nuôi trong thời điểm giao mùa, nhằm hạn chế thiệt hại cho cá nuôi. Chi cục Thủy sản khuyến cáo bà con nuôi cá lồng, bè cần áp dụng các biện pháp sau đây:

Không nên thả giống trong khoảng thời gian này do đây là thời điểm chuyển mùa và nắng nóng nên cá nuôi rất dễ bị sốc, dễ nhiễm bệnh do biến đổi môi trường.

Thường xuyên kiểm tra tình hình sức khỏe, tốc độ sinh trưởng cá nuôi, tăng cường trộn vào thức ăn Vitamin C, hỗn hợp Vitamin và các chất tăng cường sức đề kháng cho cá.

Bố trí khoảng cách bè nuôi giữa các cụm cách nhau 10 mét (theo QCVN 02 - 22:2015/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt - Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường), không nên bố trí bè nuôi quá dày, cản trở dòng chảy, làm oxy hòa tan vào nước trong bè nuôi cá giảm, cá nuôi sẽ bị nổi đầu do thiếu oxy để hô hấp.

Cần tăng cường sục khí hay bơm nước tạo dòng chảy nhằm tạo oxy hòa tan vào nước để cá nuôi hô hấp được tốt hơn.

Mật độ nuôi thích hợp là 80 - 120 con/m3 , không nên thả nuôi quá dày rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đối với cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì bà con nên chủ động xuất bán để tránh rủi ro.

Thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi, vớt xác cá chết, không vứt xác ra môi trường xung quanh. Tuyệt đối không dùng cá bệnh chết làm thức ăn cho bè nuôi cá trê, chim trắng, cá vồ đém,..., nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan ra môi trường nước và các bè nuôi cá xung quanh.

Đối với các bè nuôi có cá bị bệnh, chết cần điều chỉnh giảm lượng thức ăn; nên thử kháng sinh đồ trước khi sử dụng thuốc để đạt hiệu quả tốt hơn.

UBND các xã có nuôi cá lồng, bè cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý cá nuôi thông qua các chương trình phát thanh tại địa phương. Chi cục Thủy sản đề nghị các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện tốt hướng dẫn này để góp phần hạn chế thiệt hại cho cá nuôi và đạt hiệu quả cao trong sản xuất./.

Đối với các bè nuôi có cá chết, cần quan sát, theo dõi số lượng cá chết hàng ngày, làm vệ sinh, vớt xác cá chết. Không vứt xác cá chết ra ngoài bè nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước và lây bệnh cho các bè nuôi khác trong cùng khu vực nuôi.

Các chủ bè cần theo dõi tình trạng bắt mồi của cá, giảm lượng thức ăn hoặc cắt giảm số lần cho ăn trong trường hợp cá bắt mồi kém. Tăng cường trộn vào thức ăn Vitamin C, hỗn hợp Vitamin và các chất tăng cường sức đề kháng cho cá, kết hợp sử dụng các chất kháng khuẩn trộn vào thức ăn.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác