Nuôi biển Việt Nam và vai trò của chương trình tín dụng đầu tư trong nuôi biển (07-05-2020)

Việt Nam là quốc gia có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển. Mới đây, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có công văn số 67/2014/CVVSA đề nghị bổ sung các chủ cơ sở nuôi biển, cơ sở sản xuất giống hải sản và các cơ sở sản xuất trang thiết bị, vật tư, hàng hóa phục vụ nuôi biển công nghiệp vào nhóm đối tượng được hưởng các chính sách tiếp cận tín dụng.
Nuôi biển Việt Nam và vai trò của chương trình tín dụng đầu tư trong nuôi biển
Ảnh minh họa

Nghề nuôi biển trở thành một xu thế tất yếu

Biển và đại dương chiếm 70% diện tích địa cầu, nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 1,7% khối lượng thực phẩm của thế giới, trong đó, sản phẩm nuôi biển chỉ mới chiếm chưa đầy 0,5%. Trong nhiều thập kỷ qua ngành công nghiệp khai thác hải sản đã phát triển với cường lực quá cao, với công nghệ ngày càng hiện đại, gây hiện tượng lạm dụng khai thác với đa số các loài hải sản có giá trị kinh tế. Nguồn lợi sinh vật của đại dương đang bị khai thác quá mức, giảm khả năng tự tái tạo, ảnh hưởng rất xấu đến tính cân bằng của hệ sinh thái biển và đại dương.

Trong khi đó, dân số ngày càng tăng nhanh, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hải sản đang tăng cao và rất đa dạng, khiến cho mâu thuẫn cung - cầu về hải sản trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt. Theo FAO, đến năm 2030, thế giới cần thêm 19 triệu tấn hải sản so với 2015 mới bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng.  Do đó, để tận dụng lâu bền nguồn lợi từ biển trong thế kỷ 21, nhân loại cần canh tác biển và đại dương, gọi tắt là nuôi biển. So với nuôi động vật trên cạn, nuôi biển được đánh giá cao hơn về hiệu quả kinh tế - môi trường, do có năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn (FCR của cá biển sử dụng thức ăn viên chỉ từ 1,0 – 2,5; trong khi động vật trên cạn 4,0 - 8,0), lại ít gây tác hại tới môi trường. Ngoài cá, có thể phát triển nuôi với sản lượng lớn những loài động vật thân mềm (hàu, vẹm, nghêu, sò, trai, ốc…). Trồng rong biển có thể đạt 400kg protein/ha/năm (so với trồng cây trên đất chỉ thu 16kg/ha/năm) mà không hề tốn phân, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, lại có tác dụng rất lớn làm giảm CO2 và hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm khác trong khí quyển và đại dương...

Để khai thác những tiềm năng to lớn ấy, hiện nhiều quốc gia chạy đua phát triển nuôi biển công nghiệp xa bờ. Trung Quốc là một ví dụ. Họ coi phát triển nuôi biển là một quốc sách trong những thập niên sắp tới. Năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc đã vượt 50 triệu tấn, chiếm 78% tổng sản lượng thủy sản của cả nước, đứng đầu thế giới. Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi trồng trị giá 23,3 tỷ USD, thặng dư thương mại là 7,5 tỷ đôla. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 178 trại nuôi biển ngoài khơi thí điểm. Riêng tại đảo Hải Nam, mới đây một tập đoàn lớn vừa được thành lập từ ba đơn vị quốc doanh, đã xây dựng dự án đầu tư 1 tỷ USD vào đóng hàng loạt lồng cực lớn nuôi cá biển khơi bằng thép (đường kính 120m, chiều cao 69m, tổng trọng lượng hơn 8.000 tấn). Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp quyết liệt phát triển nuôi biển công nghiệp bền vững, nhất là ở vùng xa bờ.

Chiến lược phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2007, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã vượt trên sản lượng khai thác thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vượt 9 tỷ USD năm 2018, đứng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng hải sản khai thác từ biển ngày càng hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản. Riêng về hải sản, mức độ đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản chỉ ở mức dưới 20% công suất thiết kế của nhà máy. Thiếu hụt nguyên liệu đang là một nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả của ngành chế biến xuất khẩu hải sản.

Trong vài chục năm qua, nuôi biển Việt Nam đã tự phát khởi đầu, cả nước có khoảng 50.000 hộ ngư dân nuôi hải sản ở vùng ven bờ, với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp và rất không bền vững. Việt Nam đang ở điểm khởi đầu của nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và đại dương, với nhiều thách thức.

Ngành nuôi biển Việt Nam hiện đang gặp một số số thách thức như: Thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp; Công cụ quản lý nhà nước về biển còn yếu và chưa có cơ chế đồng quản lý hiệu quả; Lực lượng sản xuất nuôi biển còn quá mỏng, trình độ công nghệ còn lạc hậu, mới có rất ít doanh nghiệp nuôi biển; Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh còn lạc hậu, thách thức lớn cho việc nuôi xa bờ; Rủi ro do ô nhiễm môi trường biển cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng, quản lý môi trường biển còn lỏng lẻo; Quan hệ liên kết trong chuỗi giá trị nuôi biển (giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối,…) chưa được xây dựng.

Phát triển nuôi biển công nghiệp là giải pháp chiến lược tạo đột phá để giải quyết về cơ bản những hạn chế đó, chủ động tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phát điện, phân bón sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tốt hơn môi trường biển, tạo công ăn việc làm mới cho hàng chục vạn ngư dân, tăng cường sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành cường quốc về nuôi biển.

Thực hiện nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ nuôi biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã khởi thảo trình Thủ tướng Chính phủ và với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao cho VSA phối hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, hiện đang được trình Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu chiến lược là sắp xếp lại để ổn định vùng nuôi có hiệu quả ven biển, đảo gần bờ, bảo đảm môi trường sinh thái; phát triển mạnh theo hướng bền vững nuôi biển công nghiệp vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Theo đó, đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng đạt 1.750.000 tấn, giá trị XK hải sản nuôi đạt 4 - 6 tỷ USD. Trong đó, riêng về nuôi biển xa bờ có sản lượng 690.000 tấn (cá biển 450.000 tấn, rong biển 100.000 tấn, nhuyễn thể 100.000 tấn, giáp xác 20.000 tấn, sản phẩm khác 20.000 tấn). Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học, trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta. Đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị XK hải sản nuôi. Sản lượng nuôi biển đạt 3-4 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Việt Nam có nhiều lợi thế về nuôi biển, như: phát triển nuôi những loài cá biển có giá trị kinh tế cao (cá chim, cá giò, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá mú, cá ngừ, cá cam…) sử dụng lồng nổi HDPE (chịu được bão cấp 12), các loại lồng chìm và bán chìm đa dạng, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết ở vùng biển sâu. Mục tiêu năm 2030 đạt 600.000 tấn cá biển nuôi; giá trị nguyên liệu 3-4 tỷ USD.

Tận dụng tiềm năng các vùng cửa sông, ven biển phát triển mạnh nuôi cá nước lợ có giá trị cao (cá nhụ, cá đối mục, cá dìa, cá măng...) theo quy mô công nghiệp. Từ đó sẽ tạo sinh kế ổn định cho ngư dân các tỉnh ven biển, góp phần cải tạo môi trường vùng ao nuôi tôm đã bị thoái hóa. Mục tiêu năm 2030 đạt 200.000 tấn cá nước lợ; giá trị 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển, du nhập và tiếp tục hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo, tổ chức ương nuôi giống chất lượng cao và sử dụng thức ăn nhân tạo phục vụ nuôi tôm hùm, tôm mũ ni và các giáp khác giá trị kinh tế cao trong lồng trong biển hoặc trong các trại với hệ thống RAS trên bờ. Mục tiêu 2030: 30.000-50.000 tấn; giá trị 1 tỷ USD.

Ngoài ra, phát triển mạnh nuôi công nghiệp tập trung 4 loài trai ngọc có giá trị kinh tế cao (Pinctada martensii, P. margaritifera, P. maxima và Pteria penguin) trong các vùng ven biển ít sóng gió; đồng thời phát triển công nghiệp chế tác và thương mại ngọc trai. Mục tiêu đến 2030 đạt 200 tấn ngọc (kích thước 7,0 - 10 mm), doanh thu thô 3-5 tỷ USD, chế biến thành thương phẩm có thể đạt 8 tỷ USD.

Khơi thông nguồn tín dụng

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương giao Bộ NN-PTNT xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (nay đã được bổ sung sửa đổi bằng NĐ 17/2016/NĐ-CP). Hưởng ứng chủ trương đúng đắn này, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có công văn số 67/2014/CVVSA đề nghị bổ sung các chủ cơ sở nuôi biển, cơ sở sản xuất giống hải sản và các cơ sở sản xuất trang thiết bị, vật tư, hàng hóa phục vụ nuôi biển công nghiệp vào nhóm đối tượng được hưởng các chính sách tiếp cận tín dụng cùng với các ưu đãi khi thực hiện các khoản đầu tư mới hoặc đầu tư nâng cấp, áp dụng công nghệ mới.

Theo đó, mục tiêu của đề xuất này nhằm khơi thông nguồn tín dụng trong nước và nước ngoài với tổng mức khoảng 50 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), gắn với các nguồn cung ứng công nghệ tiên tiến, để đầu tư phát triển ngành nuôi biển công nghiệp, đạt sản lượng hải sản nuôi 3,0 - 4,0 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tăng việc làm, thu nhập, tạo sinh kế mới cho ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, đưa Việt Nam trở thành cường quốc nuôi biển của ASEAN.

Để hồi phục và tiếp tục phát triển mạnh kinh tế đất nước sau đại dịch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đưa nuôi biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo đột phá thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ một số nội dung cơ bản của Chương trình tín dụng để đầu tư công nghệ tiên tiến phát triển ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức và khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ đột phá quan trọng này là việc thiếu nguồn vốn tín dụng đủ lớn, để các doanh nghiệp, hợp tác xã của ngư dân đầu tư các trại nuôi với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ sức vươn ra nuôi hải sản ở các vùng biển mở xa bờ.

Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn về vốn sau đại dịch Covid-19, bên cạnh các nguồn tín dụng trong nước, chủ yếu được thực hiện theo tinh thần Nghị định đang được Bộ NN-PTNT xây dựng trình Chính phủ để thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP thì cần tìm giải pháp huy động nguồn tín dụng từ các đối tác quốc tế phù hợp và giải quyết đồng thời cả nguồn vốn và nguồn công nghệ nuôi biển.

Xác định Na Uy là đối tác tiềm năng để phát triển nuôi biển, trong chuyến công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu từ ngày 18 đến 23/8/2019, lãnh đạo Hiệp hội đã thảo luận với phía bạn về vấn đề này và nhận thấy rằng hệ thống tín dụng xuất khẩu của Chính phủ Na Uy là đối tác thích hợp cho mục đích này.

Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để vay vốn tín dụng Na Uy gồm 6 bước, cụ thể cả người mua và bán thiết bị hoặc công nghệ của Na Uy nộp hồ sơ cho Quỹ Tín dụng Xuất khẩu Na Uy và GIEK để xin thẩm xét. Sau đó, quỹ tín dụng XK Na Uy sẽ chào về lãi suất, thời hạn vay và thống nhất với bên vay. Tiếp đến, GIEK sẽ đánh giá hồ sơ và mức rủi ro của khoản vay. Bước tiếp theo, quỹ tín dụng XK Na Uy đàm phán hợp đồng vay với bên đi vay (người bán hoặc người mua thiết bị/công nghệ). Sau đó, quỹ tín dụng XK Na Uy giải ngân cho người vay sau khi hợp đồng XK đã được thực hiện. Bước cuối cùng người vay hoàn trả khoản vay theo lịch trình đã thống nhất.

Đối tượng chính hưởng lợi từ chương trình tín dụng

Chương trình nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ ngư dân vay vốn tín dụng trong nước và nước ngoài, để đầu tư mới hoặc nâng cấp, áp dụng công nghệ tiên tiến cho các cơ sở nuôi cá biển, giáp xác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, rong biển, vi tảo, động vật da gai, động vật đáy, san hô, cá cảnh biển.

Cụ thể: Các trại sản xuất giống hải sản quy mô lớn, vận hành theo phương thức công nghiệp, với công nghệ tuần hoàn nước (RAS) hoặc các công nghệ tiên tiến khác; Các trang trại nuôi hải sản bằng lồng bè công nghiệp ở vùng biển mở, ven tuyến đảo xa bờ, hoặc trại nuôi bằng các công nghệ tiên tiến trên bờ, quy mô sản lượng từ 100-500 tấn mỗi năm trở lên; Các trang trại nuôi biển khơi (như hệ thống tàu mẹ nuôi cá NB-102, trại nuôi sử dụng các giàn khoan dầu khí cũ...) quy mô sản lượng 1.000 tấn hải sản mỗi năm trở lên; Các phương tiện chuyên dụng phục vụ công nghiệp hóa việc nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, xuất nhập khẩu hải sản nuôi; Các trại nuôi biển hiện đại kết hợp du lịch biển ở vùng xa bờ; Các nhà máy chế tạo thiết bị nuôi hải sản công nghiệp (như lồng bè, bằng HDPE hoặc các vật liệu không gây hại cho môi trường; các hệ thống nuối tuần hoàn); Các nhà máy đóng tàu và chế tạo thiết bị chuyên dụng phục vụ nuôi biển công nghiệp (thiết bị sục khí, phun thức ăn, quan sát, giám sát môi trường, v.v...); Các nhà máy dệt lưới nilon và lưới hợp kim phục vụ nuôi biển; Các đối tượng khác có liên quan đến dịch vụ cho nuôi biển công nghiệp.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để các cơ sở nói trên tham gia được chương trình này phải đáp ứng một số điều kiện. Một là, có đề án đầu tư được cơ quan thẩm quyền trung ương hoặc cấp tỉnh phê duyệt theo phân cấp, để được giao quyền sử dụng vùng biển nhất định để sản xuất. Hai là, có nguồn vốn tự có đáp ứng 10% giá trị khoản vay. Ba là, có nguồn nhân lực được đào tạo theo quy định. Bốn là, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác