Nuôi tôm tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu (24-10-2019)

Ngày 17/10/2019, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam và Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nuôi tôm tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu”.
Nuôi tôm tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu

Một trong những bài toán lớn nhất của ngành Tôm Việt Nam hiện nay đã được các chuyên gia trong lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản xác định là vấn đề Chi phí năng lượng trong nuôi tôm; Các rủi ro có thể xảy ra khi biến đổi khí hậu; Cách tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu. Để tìm lời giải đáp cho các vấn đề này, chiều ngày 17/10/2019, Hội thảo “Nuôi tôm tiết kiệm năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu” đã được tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện của Hội chợ Triển lãm Quốc tế Vietnam Aquaculture 2019 (tại Trung tâm Hội chợ Quốc tế Cần Thơ - EFC).

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm xây dựng kế hoạch ứng phó để giảm thiểu những rủi ro từ biến đổi khí hậu; xác định định hướng và tìm kiếm giải pháp tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm. Từ đó, thúc đẩy ngành Tôm Việt Nam hướng tới mục tiêu “Phát triển bền vững”. Với vị thế là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, ngành Tôm Việt Nam sẽ cần có Kế hoạch khai thác và sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững; Đồng thời, thích ứng nhanh với mọi diễn biến của khí hậu.

250 đại biểu đã tới tham dự Hội thảo, gồm các lãnh đạo và cán bộ đại diện của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ), Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), Hội Nghề cá Việt Nam, Ban Quản lý Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam”, ICAFIS, Oxfam Việt Nam và các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, môi trường; các đại biểu đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm người nuôi tôm, hợp tác xã, cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp/công ty cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng) và Cố vấn cao cấp về Biến đổi khí hậu của Oxfam Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều bài tham luận đã được trình bày, đề cập đến các vấn đề như: Giải pháp Giảm phát thải khí nhà kính trong Nuôi tôm thẻ thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long; Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm; Chuyển dịch năng lượng công bằng… Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận về Thách thức và Giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng; Thách thức và Giải pháp thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Tôm Việt Nam; Khó khăn và Định hướng thúc đẩy năng lượng tái tạo cho Việt Nam; Kịch bản biến đổi khí hậu và Tác động đối với ngành Thủy sản Việt Nam.

Đối với tác động của biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã liệt kê chi tiết các nhân tố như: Sóng biển; Gia tăng mực nước biển; Thay đổi lượng mưa; Thay đổi dòng chảy của sông; Mực nước trong các ao, hồ; Thay đổi cấu trúc nhiệt lượng; Bão lớn, bão nguy hiểm; Tần suất bão; Độ mặn; Axit hóa đại dương; Nhiệt độ… Những nhân tố này sẽ tác động đến Cấu trúc loài, Sản lượng và năng suất, Phân bố, Mùa vụ, Dịch bệnh, Phá hủy các rạn san hô, Can xi hóa; Từ đó, gây ảnh hưởng xấu đến sinh kế cộng đồng (từ hoạt động nuôi trồng đến đánh bắt, chế biến và đóng gói). Vì vậy, cũng gây tác động lớn tới nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ngoài ra, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, có tất cả 04 biểu hiện của biến đổi khí hậu gây tác động tới hoạt động nuôi tôm nói riêng và hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản nói chung, gồm: Nhiệt độ/ Nước biển dâng/ Mưa lớn và trái mùa/ Bão, lốc khiến tôm bỏ ăn, khó lột xác, chậm lớn, dễ bùng phát dịch bệnh; xói lở, sạt lở bờ ao, tôm thoát ra ngoài, khó thu hoạch, khó cải tạo vùng nuôi; chỉ số môi trường nuôi thay đổi đột ngột.

Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, ngành Thủy sản sẽ phải Đa dạng hóa hình thức nuôi trồng; Bảo tồn và phát triển giống bản địa, có khả năng chống chịu cao đối với thay đổi nhiệt độ, chất lượng nguồn nước, dịch bệnh; Khai thác, nuôi trồng bền vững; Phát triển hệ thống hạ tầng ngành Thủy sản chống chịu với biến đổi khí hậu; Sử dụng thông tin dự báo thời tiết trong hoạt động quản lý và vận hành hệ thống đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; Quy hoạch phát triển ngành Thuỷ sản gắn với quy hoạch vùng và địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách phát triển thuỷ sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu cần tập trung vào việc xây dựng bảo hiểm thuỷ sản, ưu tiên phát triển loài bản địa, dựa trên điều kiện tự nhiên và lợi thế về hạ tầng, lao động và thị trường, xây dựng mô hình và hệ thống nuôi trồng thuỷ sản bền vững, hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm về dịch bệnh, tích hợp và kết nối hệ thống quan trắc môi trường, khí tượng thuỷ văn tại các vùng tập trung hoạt động nuôi trồng, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao các mô hình nuôi trồng thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến dự Hội thảo, các đại biểu đã thống nhất nhận định, để tiết kiệm năng lượng trong hoạt động nuôi tôm và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Thủy sản Việt Nam cần có các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm; Đồng thời, lên kịch bản biến đổi khí hậu, xác định tác động của biến đổi khí hậu tới ngành Thủy sản. Đặc biệt, phải xây dựng định hướng tiết kiệm năng lượng trong hoạt động nuôi.

Nhân sự kiện Triển lãm và Hội thảo Quốc tế chuyên ngành Thủy sản – Aquaculture Vietnam 2019, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam triển lãm gian trưng bày các sản phẩm tôm thuộc Dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam” nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh tôm Việt Nam tới khách hàng trong nước và quốc tế.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác