Đưa công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta (14-06-2018)

Đây là mục tiêu trong Dự thảo Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Đưa công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta

Là nước có nhiều lợi thế để phát triển canh tác biển (nuôi biển), Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, với bờ biển dài hơn 3.260km, trong đó có hơn 3.000 đảo và các quần đảo như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Côn Sơn, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Trường Sa… Đây là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng, chế biến và thương mại các loài sinh vật biển. Hiện cả nước có khoảng 20 triệu cư dân sống ven biển và ở các đảo, là lực lượng lao động quan trọng, để phát triển kinh tế-xã hội, gìn giữ an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đối với lĩnh vực nuôi biển, Việt Nam có tiềm năng lớn về diện tích nuôi biển, với diện tích có khả năng sử dụng phát triển nuôi biển bao gồm các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển, và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha, diện tích còn lại phục vụ nuôi khác.

Trong thời gian qua, nghề nuôi biển đã phát triển rộng rãi trên nhiều vùng của đất nước. Tuy nhiên, nghề nuôi biển Việt Nam mới ở trình độ thấp, chủ yếu ở vùng ven bờ và đã bộc lộ một số bất cập như: Chưa tuân thủ theo quy hoạch; còn rất manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng, việc cung cấp con giống, thức ăn, công nghệ nuôi nhiều hạn chế; chưa hình thành được các chuỗi giá trị, chưa có thị trường ổn định; phải đối mặt với không ít những rủi ro về thiên tai, môi trường và dịch bệnh,… dẫn đến phát triển thiếu bền vững.

Đưa Việt Nam thành một cường quốc nuôi biển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trong 3 trụ cột chính trong định hướng phát triển của ngành thủy sản trong thời gian tới. Để có thể phát triển nuôi biển bền vững, cần phải phát triển theo hình thức công nghiệp, với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường. Công nghiệp nuôi biển cũng giúp hình thành những ngành công nghiệp phụ trợ mới, tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng là lấy ý kiến cho Dự thảo Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Tình hình phát triển lĩnh vực nuôi biển ở Việt Nam

Hiện nay, các đối tượng các đối tượng nuôi biển chủ yếu là: cá biển, nhuyễn thể, giáp xác, rong biển. Trong đó, cá biển chủ yếu hiện nay bao gồm cá song, cá giò, cá tráp, cá hồng, cá vược, cá chim vây vàng…..Trong đó đối tượng cá song, cá giò, cá vược, cá chim vây vàng được xem là một trong những đối tượng được nuôi phố biến nhất. Riêng khu vực Quần đảo Trường Sa bước đầu nuôi được cá chim trắng, cá hồng và cá vược mõm nhọn.

Trong giai đoạn năm 2010-2017, số lượng lồng, bè nuôi liên tục tăng. Tổng số ô lồng năm 2010 đạt 30.031 chiếc, đến năm 2017 đạt 180.200 chiếc.

Nhuyễn thể là một trong những đối tượng nuôi có tiềm năng và phát triển trong thời gian qua. Trung đó, đối tượng được nuôi phổ biến hiện nay bao gồm các loài: Nghêu/ngao, hàu, tu hài, sò, ốc hương. Vùng nuôi chủ yếu tập trung ở bãi triều, năm 2010 diện tích nuôi nhuyễn thể khoảng 25.560 ha, đến hết năm 2017 đạt 41.200 ha. Sản lượng năm 2010 đạt 135.011 tấn, năm 2017 đạt 272.832 tấn. Hiện nay, nhuyễn  thể chủ yếu nuôi khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, tập trung nhiều ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Binh, Thanh Hóa; đồng thời nuôi ở vùng biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh.

Riêng đối với giáp xác, trong giai đoạn 2010-2017, nuôi tôm hùm tăng mạnh về số lượng lồng với mức tăng trưởng bình quân 35,3%/năm, đặc biệt trong năm 2014 và 2015, số lượng lồng nuôi tăng khá cao. Năm 2010, sản lượng tôm hùm nuôi đạt 1.549 tấn, năm 2017 đạt 1.530 tấn. Nghề nuôi tôm hùm mặc dù đưa lại giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước những thách thức về quản lý quy hoạch, chưa theo kịp thực tiễn sản xuất, mật độ lồng nuôi tôm ngày càng gia tăng, vị trí nuôi nằm chung với vực nuôi cá biển và các loài thủy sản khác; một số điểm hiện đang nuôi nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch, gây ảnh hưởng đến sự phát triển.

Ngoài ra, rong biển cũng được người nuôi áp dụng để phát triển các sản phẩm có giá trị cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Theo Dự thảo, với mục tiêu phát triển công nghiệp nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành thủy sản và Chiến lược biển Việt Nam.

Trong đó, đến năm 2020, xây dựng được và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp về giao/cho thuê mặt nước, đầu tư, thuế, tín dụng, bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Hình thành mới và tăng số doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển công nghiệp xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu và một số địa phương có nhiều lợi thế.

Định hướng đến năm 2020, sản lượng nuôi biển phấn đấu đạt 750.000 tấn; trong đó: nhóm cá biển 200.000 tấn, nhóm nhuyễn thể 400.000 tấn, nhóm rong biển 150.000 tấn, nhóm giáp xác 60.000 tấn. Đưa giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Đến năm 2030, hình thành và phát triển các cộng đồng nuôi biển hiện đại, vững về kinh tế, có đời sống văn hóa tinh thần cao, có bản sắc độc đáo. Diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi vùng biển xa bờ 30.000 ha; diện tích nuôi gần bờ, ven đảo 20.000 ha; diện tích nuôi bãi triều là 250.000 ha; thể tích lồng nuôi đạt 9.000.000m3

Sản lượng nuôi biển  đạt 1.750.000 tấn, trong đó: Nhóm cá biển 600.000 tấn, nhóm rong biển 500.000 tấn khô, nhóm nhuyễn thể 500.000 tấn, nhóm giáp xác 100.000 tấn và các sản phẩm khác là 50.000 tấn. Giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt 5,0-8,0 tỷ USD.

Đến năm 2050, đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta, đóng góp 12-15% GDP. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Với mục tiêu đến năm 2050, phấn đấu đạt sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác