Tập trung các giải pháp để ổn định sản xuất và đạt mục tiêu tăng trưởng ngành tôm (13-06-2018)

Theo kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững” được tổ chức tại Bạc Liêu. Bộ trưởng yêu cầu các Ban, ngành từ Trung ương đến địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để ổn định sản xuất, đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Tập trung các giải pháp để ổn định sản xuất và đạt mục tiêu tăng trưởng ngành tôm
Ảnh minh họa

Tiếp đà phát triển những năm trước, 5 tháng đầu năm 2018 ngành tôm tiếp tục tăng trưởng khá, diện tích thả nuôi tôm đạt xấp xỉ 637 nghìn ha (bằng 102,5% so với cùng kỳ 2017), sản lượng thu hoạch đạt gần 196 nghìn tấn (bằng 111,1% so với cùng kỳ 2017), kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đã đạt 1,02 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2017). Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết thất thường có thể ảnh hưởng đến nuôi tôm nước lợ, làm bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện giá tôm nguyên liệu trong thời gian qua  có xu hướng giảm mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ.

Để ổn định sản xuất, duy trì mục tiêu tăng trường và thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành tôm Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các Ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới cần tập trung một số định hướng và giải pháp sau.

Đối với tổ chức và quản lý sản xuất

Trước hết cần thông tin kịp thời để người dân nắm rõ tình hình, thống nhất về nhận thức và hành động, chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất. Người nuôi tôm cần bình tĩnh, không nên vội thu hoạch tôm non; đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, tạm thời giảm mật độ thả, giãn vụ, rải vụ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro; khi thị trường có tín hiệu tốt sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Các địa phương có lợi thế, cần tập trung phát triển nuôi tôm sú. Tiếp tục duy trì tốt chất lượng sản phẩm: không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; thực hiện sản xuất sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng; ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi. Đồng thời tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi an toàn dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu: thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với tiêu thụ, cùng chia sẻ lợi ích, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.

Về tiêu thụ sản phẩm

Cần bám sát diễn biến cung, cầu và giá tôm ở thị trường thế giới, thông tin kịp thời tới các bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Phát triển các kênh phân phối và đẩy mạnh tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa. Tiếp tục phát triển các sản phẩm chế biến sâu, các sản phẩm giá trị gia tăng.

Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kịp thời tháo gỡ các rào cản thương mại, khẩn trương xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.

Theo đó, liên quan đến diễn biến về giá của mặt hàng tôm và tình hình xuất khẩu trên thị trường, Bộ trưởng  Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản, tiếp tục phối hợp với địa phương tăng cường chỉ đạo, tổng kết thực tiễn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những diễn biến thất thường của thời tiết và tình hình dịch bệnh xảy ra tại một số tỉnh/thành phố, Cục Thúy Y cần có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi và tăng cường kiểm dịch đối với tôm nguyên liệu nhập khẩu, tham mưu kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu tôm nguyên liệu. Tiếp tục xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh.

Theo nhận định, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh trong thời gian qua một phần là do yếu tố từ thị trường xuất khẩu. Do đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là cơ quan đầu mối, phối hợp chặt chẽ với địa phương và các đơn vị liên quan dõi và đánh giá diễn biến thị trường tôm, kịp thời đề xuất giải pháp và thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Khẩn trương tham mưu để lãnh đạo Bộ làm việc với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tìm giải pháp quản lý hiệu quả để kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất và nhập khẩu tôm nguyên liệu.

Bên cạnh đó, các địa phương nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp, người nuôi đề xuất có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương để ổn định và phát triển sản xuất. Thường xuyên báo cáo diễn biến tình hình sản xuất và tiêu thụ tôm nước lợ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp chỉ đạo. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tạo ra các chuỗi liên kết theo hướng bền vững.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác